|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

VNG muốn đẩy mạnh hoạt động mảng trí tuệ nhân tạo

09:10 | 02/05/2021
Chia sẻ
VNG xây dựng Zalo, hiện là ứng dụng chat phổ biến nhất Việt Nam và giờ thì "kỳ lân" đầu tiên của Việt Nam đang hướng đến mảng AI (trí thông minh nhân tạo).

Trợ lý ảo Kiki là một phần trong kế hoạch đẩy mạnh vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI)  của VNG. Ông Nguyễn Vương Khải, Phó Tổng giám đốc VNG, khẳng định đây là động thái quan trọng cho tương lai công ty.

"Nếu không theo kịp làn sóng tiếp theo, chúng tôi sẽ trở nên lỗi thời", ông chia sẻ với Nikkei.

Trong 15 năm qua, VNG đã đa dạng hoá kinh doanh sang các mảng điện toán đám mây, quảng cáo, thanh toán số và truyền thông. Hiện tại, VNG đã phát triển thành công một trong những tập người dùng số lớn nhất tại Việt Nam.

Ứng dụng nhắn tin Zalo hiện đã có 62 triệu người dùng. Theo We Are Social, Zalo chỉ kém phổ biến hơn so với nền tảng Facebook và YouTube ở Việt Nam. Zalo là một nền tảng địa phương hiếm hoi có thể cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài. Ở Đông Nam Á, các ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất thường là các dịch vụ "nhập khẩu", ví dụ như Line hay WhatsApp.

'Kỳ lân' đầu tiên của Việt Nam đánh cược tương lai vào AI - Ảnh 1.

(Nguồn: We Are Social/ SimilarWeb/Nikkei, Việt hoá: Thái Sơn).

Zalo là cái tên khả thi trong việc trở thành một "siêu ứng dụng", tương tự như mô hình của Grab hay Gojek, khi cung cấp đa dạng các ứng dụng cho người dùng.

Ông Khải, vốn được biết đến như "cha đẻ" của Zalo, nói rằng ông không định hướng Zalo trở thành một "người gác cổng" có thể quyết định cái tên nào có thể thâm nhập vào thị trường Việt Nam hoặc không.

Ông Khải chia sẻ Zalo chỉ nên trở thành siêu ứng dụng nếu đó là điều tốt nhất cho người dùng bởi nếu thêm vào quá nhiều tính năng, Zalo sẽ trở nên cồng kềnh.

"Nếu muốn trở thành mọi thứ, bạn có thể không là gì cả", ông Khải thừa nhận và nói rằng, ngoài Trung Quốc, khó có một thị trường nào nơi một ứng dụng có thể thực sự có vị trí thống trị.

Hiện tại, Zalo đang có 39 tính năng (khi kết hợp với cả các tính năng liên quan đến thanh toán). Ứng dụng này cũng đóng vai trò là cổng tương tác để các nhãn hàng kết nối với khách hàng.

Dù không chắc chắn về việc Zalo có thể trở thành siêu ứng dụng, có một điều ông Khải chắc chắn: "Làn sóng tiếp theo sẽ là AI. Chúng ta đều nên đầu tư".

'Kỳ lân' đầu tiên của Việt Nam đánh cược tương lai vào AI - Ảnh 2.

Ông Vương Quang Khải, Phó Tổng giám đốc VNG, "kỳ lân" đầu tiên của Việt Nam. (Ảnh: Nikkei)

Tháng 12 năm ngoái, Zalo AI giới thiệu Kiki cho loa thông minh. Thời điểm đó, Zalo AI nói rằng Kiki được xây dựng dựa trên công nghệ tương tự Alexa (Amazon) và Siri (Apple) nhưng bằng Tiếng Việt.

Zalo hiện đang đàm phán với một công ty phát triển màn hình trong xe hơi lớn để đưa Kiki vào thị trường xe đại trà vào quý 3/2021. Ông Khải từ chối chia sẻ chi tiết về đàm phán này.

Đội ngũ AI mà ông Khải lãnh đạo đang phát triển nhiều ứng dụng khác nhau, bao gồm công nghệ nhận diện khuôn mặt mà Ngân hàng Bản Việt đang sử dụng để xác thực khách hàng. Một tính năng chuyển tin nhắn thoại thành văn bản cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm beta.

Độ phủ của Zalo giúp VNG thu hút các nhà đầu tư quốc tế, bao gồm Temasek, GIC, Goldman Sachs hay Tencent.  Hiện tại, VNG đang có định giá khoảng 2 tỷ USD.

Trong quá khứ, VNG từng có ý định niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ) song chưa thể hiện thực hoá. Theo Nikkei, VNG ký kết một thoả thuận ghi nhớ với sàn giao dịch này để chuẩn bị thực hiện IPO hồi năm 2017.

Dù VNG không thiếu tham vọng, ông Tuan Ho, giảng viên tài chính Đại học Bristol, nhận định các nhà đầu tư hiện tại và tương lai của VNG đều nóng lòng chờ đợi các khoản đầu tư mang về "trái ngọt". VNG đã đổ hàng triệu USD vào lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán số nhưng vẫn chưa có lãi.

'Kỳ lân' đầu tiên của Việt Nam đánh cược tương lai vào AI - Ảnh 3.

(Nguồn: Nikkei/ VNG, Việt hoá: Thái Sơn).

Kể từ khi sáng lập, VNG cung cấp trên dưới 20 dịch vụ khác nhau thuộc các lĩnh vực như công nghệ tài chính, điện toán đám mây, trò chơi và nền tảng. Ông Tuan Ho nhận định VNG có thể phải đối mặt với những điều tra về chống độc quyền tương tự những gì các ông lớn công nghệ như Facebook và Google đang phải trải qua ở Châu Âu hay Mỹ.

'Kỳ lân' đầu tiên của Việt Nam đánh cược tương lai vào AI - Ảnh 4.

Một người dùng sử dụng Zalo Pay để thanh toán tại cửa hàng. (Ảnh: Nikkei)

Trong khi Việt Nam có thể chờ đợi các công ty Mỹ ra mắt các dịch vụ AI, ông Khải nói rằng những ý tưởng tốt thường đến từ cạnh tranh, đặc biệt là ở mảng mà VNG có lợi thế. Với Kiki, điểm mạnh của nó nằm ở việc được phát triển dành cho Tiếng Việt.

Khi VNG hướng đến tương lai, công ty vẫn chưa tìm ra một "cỗ máy lợi nhuận" như mảng game. Game mang về tỷ trọng 79,2% trong doanh thu 6 nghìn tỷ đồng (262 triệu USD) mà VNG ghi nhận trong báo cáo tài chính năm 2020.

VNG hiện đang lên kế hoạch mở rộng mảng game ra Ấn Độ, Nga, Mỹ Latinh và Đông Nam Á. Lúc này, kỳ lân đầu tiên của Việt Nam có thể sẽ cạnh tranh sâu hơn với "ông lớn" Sea.

Một mảng kinh doanh khác mà VNG kỳ vọng mang lại lợi nhuận là dịch vụ B2B như máy chủ dữ liệu. Mảng quảng cáo cũng đang đóng góp tỷ trọng doanh thu 16,3% vào năm ngoái, tăng lên từ 10,5% trong năm 2015.

Tìm kiếm động lực tiếp theo cho tăng trưởng không phải điều dễ dàng nhưng ông Khải tỏ ra lạc quan.

"Phát triển sản phẩm Internet giống như leo núi. Ban đầu, việc này không vui lắm. Bạn sẽ mệt và đôi khi ghét bản thân mình. Song cuối cùng, khi nhìn lại, chúng ta đều hạnh phúc", ông chia sẻ.

Nam Khánh