|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

VNG đặt kế hoạch lỗ 619 tỷ đồng do khoản đầu tư vào ZaloPay?

15:05 | 06/07/2021
Chia sẻ
Nhiều khả năng khoản lỗ lớn năm nay của VNG đến từ Zion, đơn vị chủ quản của ZaloPay khi năm 2020 công ty này lỗ lớn nhất trong nhóm các công ty thành viên.

Công ty cổ phần VNG vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021, đại hội dự kiến diễn ra chiều ngày 22/7 tại TP HCM.

Năm 2021, VNG đặt mục tiêu doanh thu khoảng 7.609 tỷ đồng, tăng 26% so với kết quả năm ngoái. 

Lợi nhuận sau thuế dự kiến cho cổ đông công ty mẹ 4 tỷ đồng, công ty dự kiến lỗ hợp nhất 619 tỷ đồng năm 2021. Thực tế năm ngoái, lãi của cổ đông công ty mẹ là 457 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 190,6 tỷ đồng.

Năm 2020, VNG cũng đặt kế hoạch lỗ 246 tỷ đồng và lợi nhuận dành cho cổ đông công ty mẹ theo kế hoạch là 299 tỷ đồng. Điều này được giải thích là do đầu tư các sản phẩm chiến lược dài hạn, trong đó có ZaloPay. Hiện VNG đang nắm giữ gần 60% cổ phần của CTCP Zion - công ty sở hữu ZaloPay.

Trên báo cáo thường niên 2020, VNG đang đầu tư 20 công ty thành viên, trong đó ghi nhận phần lỗ lớn nhất của Zion hơn 666 tỷ đồng.

Do đó việc đặt kế hoạch lỗ hợp nhất 619 tỷ đồng toàn công ty trong năm nay có thể bao gồm khoản lỗ hạch toán từ công ty chủ quản của ZaloPay.

Về kế hoạch cổ tức năm 2020, VNG cho biết, do nhu cầu đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh chiến lược và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ nên Hội đồng quản trị (HĐQT) đề nghị cổ đông không chia cổ tức năm 2020.

Theo kế hoạch năm nay, VNG sẽ tiếp tục phát triển các ngành nghề kinh doanh theo hướng đa dạng hóa. Đặc biệt VNG sẽ tập trung phát triển Payment, AI và Cloud để tham gia vào làn sóng công nghệ tiếp theo.

VNG cũng cho biết sẽ tập trung phát triển các dự án, cơ hội đầu tư cho công ty liên quan đến các sản phẩm thế mạnh về Zalo, Zalopay, Cloud, AI và các sản phẩm đầu tư hiện hữu.

VNG đặt kế hoạch lỗ gần 620 tỷ đồng do khoản đầu tư vào ZaloPay? - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ: Minh Hằng.

Bên cạnh đó, VNG sẽ trình lên cổ đông phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Năm nay, công ty dự kiến phát hành 414.772 cổ phần, trong đó 88.492 cổ phần giá 20.000 đồng/cp và 326.280 cổ phần giá 30.000 đồng/cp.

VNG dự kiến phát hành hơn 414.000 cp ESOP, giá tối thiểu 20.000 đồng/cp - Ảnh 2.

Kế hoạch dự kiến phát hành ESOP theo các năm. (Nguồn: VNG).

ĐHĐCĐ sẽ giao cho Chủ tịch quyết định số lượng phát hành thực tế, có thể tăng hoặc giảm so với dự kiến nhưng phải đảm bảo hạn mức 5% theo pháp luật.

Cũng trong đại hội tới, VNG sẽ trình cổ đông kế hoạch bán tối đa 7,1 triệu cổ phiếu quỹ cho nhà đầu tư trong nước theo bất kỳ phương thức nào được pháp luật cho phép. Giá chào bán sẽ do HĐQT quyết định và sẽ không thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/cp. Dự kiến trong quý III hoặc quý IV/2021 sẽ thực hiện chào bán.

Theo VNG, số tiền thu được sẽ dùng làm vốn lưu động để mở rộng và phát triển thị trường trong nước cũng như thị trường nước ngoài, góp vốn, đầu tư hoặc mua cổ phần của doanh nghiệp khác có cùng lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh với công ty. Mục đích của VNG là phát triển sản phẩm, củng cố thị phần và vị trí của công ty trong ngành internet.

Minh Hằng

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Techcombank sẽ mở rộng thêm mảng SME, tín dụng tiêu dùng, mục tiêu vốn hoá 20 tỷ USD năm 2025
Techcombank dự kiến chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% sau 10 năm liên tiếp giữ lại lợi nhuận. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết Techcombank đang xây dựng chính sách để chia cổ tức một cách bền vững, trong dài hạn chứ không chỉ là một vài năm.