VNDirect: Những gì tồi tệ nhất dường như đã qua, kỳ vọng VN-Index dao động quanh 1.180-1.260 điểm trong tháng 8
Theo báo cáo chiến lược thị trường tháng 8 của Chứng khoán VNDirect, VN-Index đảo chiều phục hồi sau khi đóng cửa mức thấp nhất là 1.149,6 điểm trong phiên ngày 6/7, và chốt tháng 7 tại mức 1.206,3 điểm, tăng 0,7% so với đầu tháng, tuy nhiên vẫn giảm tới 19,5% so với đầu năm.
Các nhà phân tích của Chứng khoán VNDirect tin rằng sự hồi phục đáng khích lệ của thị trường trong hai tuần cuối tháng 7 được hỗ trợ bởi các yếu tố như trong quý II, nền kinh tế Việt Nam phục hồi 7,7% so với cùng kỳ năm trước, đây là tốc độ tăng trưởng GDP quý II cao nhất kể từ năm 2011; sự phục hồi của thị trường chứng khoán Mỹ trong tháng 7 và niềm tin của thị trường vào khả năng kiểm soát giá cả hàng hóa và lạm phát sau các động thái vừa qua của Chính phủ.
Trong khi đó, HNX-Index tăng 3,9% so với đầu tháng, còn UPCoM-Index giảm nhẹ 2,1% so với đầu tháng. So với đầu năm 2022, HNX-Index và UPCOM-Index lần lượt giảm 39,1% và 23,1%.
Trong tháng 7, hầu hết các thị trường trong khu vực đều phục hồi sau khi giảm điểm mạnh trong tháng trước đó. Việt Nam cũng đi theo xu thế chung với mức tăng điểm nhẹ trong tháng 7, nhỉnh hơn đôi chút so với Indonesia (JCI Index, tăng 0,6% so với đầu tháng) và Thái Lan (SET Index, tăng 0,5% so với đầu tháng) nhưng thấp hơn đáng kể so với các thị trường khác trong khu vực, bao gồm Phillipines (PCOMP, +2,6%), Malaysia (FPMKLCI, +3,3%) và Singapore (STI Index, +3,5%).
Theo VNDirect Research, diễn biến yếu hơn của thị trường chứng khoán Việt Nam so với nhiều thị trường trong khu vực là do hoạt động cho vay bị thắt chặt do một số ngân hàng thương mại đã dùng hết “room” tăng trưởng tín dụng được giao từ đầu năm, bên cạnh đó giá thực phẩm tăng cao, đặc biệt là thịt lợn, gây áp lực lớn lên lạm phát.
Theo nhóm phân tích của VNDirect, nền kinh tế Việt Nam có thể vượt qua những tác động bên ngoài để đạt mức tăng trưởng cao hơn trong nửa cuối năm.
Tuy nhiên, để định giá thị trường Việt Nam trong tương quan với môi trường lãi suất tăng, VND sử dụng phương pháp định giá lợi suất thu nhập thị trường. Phương pháp này rất hữu ích khi xuất hiện lo ngại về lãi suất tăng và giúp nhà đầu tư tối ưu phân bổ tài sản.
Các nhà phân tích quan sát thấy rằng chênh lệch giữa lợi suất thu nhập của thị trường Việt Nam và lãi suất huy động bình quân 12 tháng của các ngân hàng thương mại đang gia tăng, điều này cho thấy thị trường chứng khoán có thể đang bị định giá thấp.
Vào thời điểm hiện tại, tình hình bên ngoài đã có sự cải thiện, trong đó kỳ vọng của thị trường về việc Fed tăng lãi suất đã qua đỉnh điểm.
Mặc dù bối cảnh quốc tế vẫn còn nhiều bất ổn, VNDirect Research nhận thấy sự lạc quan ngày càng tăng đối với triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới khi những yếu hỗ trợ dần xuất hiện như lạm phát toàn cầu có khả năng hạ nhiệt, Fed giảm cường độ thắt chặt chính sách tiền tệ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lên kế hoạch tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại.
Mặt khác Nghị định 153 sắp được ban hành nới lỏng một số yêu cầu liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp so với các dự thảo trước đó.
Rủi ro đối với thị trường bao gồm lạm phát cao hơn dự kiến do giá lương thực tăng, đồng USD tiếp tục mạnh lên, gây thêm áp lực lên tỷ giá hối đoái, lãi suất và đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Do chưa hội tủ đủ các yếu tố hỗ trợ mạnh, VNDirect kỳ vọng VN-Index dao động trong biên độ 1.180 - 1.260 điểm trong tháng 8. Thanh khoản thị trường sẽ tiếp tục ở mức thấp. Do đó, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu vừa phải và hạn chế sử dụng đòn bẩy (margin) trong thời điểm hiện tại để giảm thiểu rủi ro.
Ngưỡng kháng cự gần nhất của VN-Index là vùng 1.220-1230 điểm. Ngưỡng kháng cự tiếp theo là vùng 1.250 - 1.260 điểm. Ngưỡng hỗ trợ của thị trường quanh 1.180 điểm.