|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

VNDirect lo Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động của May Sông Hồng

06:25 | 26/02/2020
Chia sẻ
Theo Chứng khoán VNDirect, doanh thu của May Sồng Hồng có thể giảm nhẹ trong quí I/2020 do ảnh hưởng của kì nghỉ lễ Tết và covid-19. Tuy nhiên, tăng trưởng dài hạn sẽ tích cực hơn nhờ EVFTA và nhà máy mới đi vào hoạt động.

Kết quả kinh doanh 2019 tăng trưởng tốt nhờ cải thiện cơ cấu sản phẩm

Công ty cổ phần May Sông Hồng (Mã: MSH) ghi nhận doanh thu thuần năm 2019 đạt 4.425 tỉ đồng, tăng trưởng 12,1% so với cùng kì.

Tăng trưởng doanh thu chủ yếu nhờ mảng hàng hóa tự sản xuất với giá trị đạt được năm 2019 là 3.701 tỉ đồng, tăng trưởng 19,7% so với năm trước. Ngược lại, mảng dịch vụ gia công cho các đối tác giảm 15,5% xuống còn 725 tỉ đồng.

Trong đó, doanh thu từ đơn hàng FOB tăng trưởng 25,6%, doanh thu mảng CMT lại giảm 15,8% so với cùng kì do cắt giảm đơn hàng từ đối tác SAE-A Trading.

Covid-19 có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng quí I/2019 của May Sông Hồng - Ảnh 1.

Nguồn: Đan Nguyên, BCTC May Sông Hồng.

Biên lợi nhuận gộp năm 2019 của May Sông Hồng tăng 0,9 điểm % so với năm ngoái lên gần 21% nhờ tỉ trọng cao hơn ở mảng FOB với biên lợi nhuận cao, tăng từ 68,1% năm 2018 lên 76,4%, thuộc top những mảng kinh doanh có biên lãi gộp cao nhất trên thị trường chứng khoán.

Hoạt động tài chính và hoạt động khác chiếm tỉ trọng không đáng kể, theo đó công ty ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt 549 tỉ đồng, tăng 22% so với năm 2018; lãi sau thuế tăng 21,7% lên 452 tỉ đồng.

Năm 2019 May Sông Hồng đặt mục tiêu đạt 4.300 tỉ đồng doanh thu và 475 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tỉ lệ chia cổ tức dự kiến từ 35% đến 45%. Với kết quả đạt được năm 2019, công ty hoàn thành vượt 3% kế hoạch doanh thu và vượt 15,6% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Tính riêng trong quí IV/2019, doanh thu thuần giảm 10,8% so với cùng kì năm 2018 xuống mức 1.060 tỉ đồng, giảm 10,8% so với cùng kì năm 2018, lãi sau thuế gairm 3,3% xuống còn 95 tỉ đồng.

Theo CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã: VND), kết quả kinh doanh năm 2019 đã phản ánh đúng chiến lược của May Sông Hồng với việc thu hẹp đơn hàng gia công có biên lợi nhuận thấp.

Cụ thể, doanh thu từ CMT giảm 15,5% sv cùng kì, đóng góp 16,4% vào doanh thu của công ty trong năm 2019, giảm đáng kể so với mức 21,7% ở năm 2018. Ngược lại, tỉ trọng doanh thu từ đơn hàng FOB ước tính tăng lên khoảng 76,4% tổng doanh thu trong năm 2019 từ mức 68,1% năm 2018.

Theo ước tính của VNDirect Research, biên lợi nhuận gộp trung bình của phương thức sản xuất FOB cao hơn đáng kể so với CMT, do đó khi tỉ trọng đóng góp của FOB tăng lên đã thúc đẩy biên lợi nhuận chung của May Sông Hồng tăng.

Trong năm 2019, mảng chăn ga gối đệm của May Sông Hồng gặp nhiều khó khăn do các yếu tố khách quan, có thể kể đến hiện tượng khí hậu El Nino khiến cho mùa hè với thời tiết nắng nóng trong năm qua dài hơn so với năm 2018 đã ảnh hưởng tới nhu cầu mua sắm sản phẩm chăn ga gối đệm của người dân. Doanh thu từ mảng này đã giảm khoảng 20% so với năm trước.

Ở thị trường nội địa, May Sông Hồng gặp cạnh tranh gay gắt từ Everon và Hanvico cũng như các sản phẩm từ Trung Quốc. Do vậy, doanh nghiệp đã tìm kiếm cơ hội xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài.

Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản ước tính đạt doanh thu 3 - 5 triệu USD trong năm 2019, đóng góp 20 - 30% doanh thu chăn ga gối đệm của công ty.

Triển vọng tăng trưởng 2020 có thể bị đe dọa bởi dịch covid-19

Mặc dù ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2019 nhờ chiến lược mới, triển vọng tăng trưởng của May Sông Hồng trong năm 2020 vẫn có khả năng bị đe dọa bởi các các yếu tố khách quan, đặc biệt là diễn biến phức tạp của dịch virus covid-19.

Dịch covid-19 đã lây lan sang hơn 28 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, gây ra những thiệt hại nặng nề về người và về kinh tế, đặc biệt là ở Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc hiện đã cho đóng cửa nhiều nhà máy và hạn chế hệ thống giao thông vận tải trong nước và giao thương với nước ngoài.

Sự gián đoạn về sản xuất tại Trung Quốc có thể ảnh hưởng lớn tới ngành công nghiệp dệt may thế giới do Trung Quốc đóng vai trò lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, chiếm tới 54% sản lượng ngành dệt may của thế giới trong năm 2018.

Theo Tổng cục Hải Quan, Việt Nam nhập khẩu 11,5 tỉ USD nguyên vật liệu dệt may từ Trung Quốc trong năm 2019. Hơn nữa, khoảng 60% lượng vải dùng cho sản xuất trong nước cũng được nhập khẩu từ quốc gia này.

Covid-19 có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng quí I/2019 của May Sông Hồng - Ảnh 2.

Theo VNDirect Research, sự gián đoạn này có thể ảnh hưởng đáng kể tới sản xuất dệt may của Việt Nam, theo đó May Sông Hồng cũng khó nằm ngoài sự ảnh hưởng đó.

Do sự bùng phát của dịch bệnh covid-19, các nhà cung ứng nguyên vật liệu của Trung Quốc đang tạm dừng hoặc giảm qui mô sản xuất, điều này có thể gây ra sự thiếu hụt đầu vào đối với May Sông Hồng trong ngắn hạn, thậm chí trong thời gian lâu hơn nếu tình hình dịch bệnh không được kiểm soát.

Công ty chứng khoán này cho rằng, covid-19 có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của May Sông Hồng ngay trong quí I/2020 bởi phần lớn vải chính dùng để sản xuất được nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo đó, doanh thu có thể sẽ giảm nhẹ do ảnh hưởng của kì nghỉ lễ Tết và covid-19.

Trong dài hạn, VNDirect Research đánh giá triển vọng của May Sông Hồng sẽ tích cực hơn nhờ EVFTA và nhà máy mới đi vào hoạt động.

Nhờ EVFTA, VNDirect Research cho rằng xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào thị trường EU sẽ tăng mạnh theo lộ trình giảm thuế từ năm thứ 2 trở đi khi hiệp định này chính thức có hiệu lực. Hiện nay, thị trường châu Âu đóng góp khoảng 10% doanh thu của May Sông Hồng.

Nhà máy Sông Hồng 10 (SH10) dự kiến khánh thành vào quí IV/2020 được kì vọng sẽ đóng góp 266 tỉ đồng, tương đương 5,5% tổng doanh thu 2020 của May Sông Hồng.

Trong năm 2021, VNDirect Research kì vọng SH10 sẽ là động lực tăng trưởng doanh thu chính của May Sông Hồng với doanh thu đạt khoảng 798 tỉ đồng, chiếm 14,1% cơ cấu doanh thu.

Covid-19 có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng quí I/2019 của May Sông Hồng - Ảnh 3.

Đan Nguyên