VNDirect: Kinh Bắc có thể thu 10.000-12.000 tỷ từ KĐT Tràng Cát, đầu tư thêm 5 cụm công nghiệp
Trong một báo cáo phân tích mới đây, các chuyên viên phân tích VNDirect đưa ra nhận định điểm rơi lợi nhuận tại các dự án của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC) sẽ từ năm 2022.
Theo thông tin từ ban lãnh đạo Kinh Bắc, doanh nghiệp đang hoàn tất các thủ tục pháp lý tại Khu đô thị (KĐT) Tràng Cát (581 ha) với tổng giá trị phát triển ước tính 55.829 tỷ đồng.
Trong đó, Kinh Bắc dự kiến bán buôn 50 ha diện tích đất thương phẩm mỗi năm và đợt đầu tiên được thực hiện trong năm 2022 với số tiền thu về khoảng 10.000-12.000 tỷ đồng. Hiện tại, doanh nghiệp đã nhận được phê duyệt san lấp mặt bằng tại dự án này.
Bên cạnh đó, Kinh Bắc cũng dự kiến bàn giao 6 ha tại KĐT Phúc Ninh từ quý IV/2021 với doanh thu ước tính 1.300-1.400 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo Kinh Bắc cũng cho biết thêm, doanh nghiệp muốn đầu tư 5 cụm công nghiệp tại Hưng Yên với tổng diện tích 375 ha.
Trong đó, ba cụm công nghiệp quy mô 225 ha (cụm công nghiệp Đặng Lễ, cụm công nghiệp Kim Động và cụm công nghiệp Chính Nghĩa) vừa được bổ sung vào quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và đã được tỉnh Hưng Yên trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.
Dự kiến trong năm nay, Kinh Bắc có thể nhận được giấy phép đầu tư và hiện đã có khách hàng quan tâm tại các cụm công nghiệp này.
VNDirect cũng lưu ý thêm một số rủi ro đối với triển vọng kinh doanh của Kinh Bắc như: Rào cản pháp lý tại các dự án mới; việc bán đất KCN kém hơn dự kiến; chậm trễ hoàn tất thủ tục pháp lý tại KĐT Tràng Cát và KCN Tràng Duệ 3; chậm trễ ghi nhận doanh thu từ các dự án nhà ở;...
Tính đến cuối quý III, Kinh Bắc sở hữu quỹ đất có thể cho thuê hơn 807 ha, trong đó KCN Tràng Duệ 3 (687 ha) được kỳ vọng có thể khai thác từ năm 2023.
Còn theo thống kê từ SSI, Kinh Bắc đang sở hữu trực tiếp và gián tiếp khoảng 4.700 ha đất KCN, chiếm gần 6% tổng diện tích đất KCN đã thành lập trên cả nước. Song song với việc phát triển các dự án hiện hữu, Kinh Bắc còn có kế hoạch mở rộng quỹ đất sang Hải Dương, Hưng Yên, Long An,…).