VN-Index quay đầu tăng gần 6 điểm ngày đáo hạn phái sinh nhờ lực kéo phiên ATC
Đóng cửa, VN-Index tăng 5,78 điểm (0,46%) lên 1.274,44 điểm, HNX-Index tăng 1,59 điểm (0,66%) đạt 242,49 điểm, UPCoM-Index tăng 0,34 điểm (0,35%) đạt 97,61 điểm.
VN-Index đã có một phiên đáo hạn khá lình xình khi phần lớn thời gian không xuất hiện nhóm cổ phiếu dẫn dắt và thanh khoản duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên lực kéo phiên ATC đã giúp chỉ số bật hồi tăng gần 6 điểm, VN-Index đóng cửa cao nhất phiên, dừng chân ở mốc 1.274,44 điểm.
Trong phiên có thời điểm một số cổ phiếu midcap và penny… nỗ lực tăng mạnh đi ngược với đà giảm của chỉ số chính. Tuy nhiên nhìn chung dòng tiền chưa có sự lan tỏa, phải đến phiên ATC lực cầu mới được đẩy vào thị trường một cách rõ nét.
Độ rộng thị trường có sự xoay chuyển rõ rệt với sự thắng thế của bên mua. Sàn HOSE ghi nhận 285 mã tăng, 158 mã giảm và 62 mã đứng tham chiếu. Tính chung toàn thị trường sắc xanh cũng chiếm ưu thế với 465 mã giảm và 443 mã tăng.
Về thanh khoản, tổng khối lượng giao dịch gần 840 triệu đơn vị, tương đương giá trị gần 18.100 tỷ đồng. Trong đó, giá trị giao dịch trên HOSE đạt hơn 19.100 tỷ đồng, giảm 35% so với phiên trước nhưng vẫn cao hơn 3% so với thanh khoản bình quân 5 phiên gần đây.
Rổ VN30 giao dịch tích cực hơn cuối phiên sáng khi có 22 cổ phiếu tăng, trong đó nổi bật nhất là PLX tăng 5,6% lên 47.500 đồng/cp, cùng với MWG, POW, VRE, MBB, CTG, GVR, BVH, ACB tăng hơn 1%, ... Chiều ngược lại, FPT giảm sâu nhất với tỷ lệ mất giá là 3%, cùng với VIC, VIB, HDB, MSN giảm 0,4 – 0,8%.
Các mã đóng góp lớn nhất đến đà tăng của chỉ số chính có VCB, BID, ACB, PLX, CTG... Ở phía ngược lại, FPT, MSN và VHM là các lực cản lớn nhất trên thị trường.
Chi tiết theo nhóm ngành, nhóm ngân hàng duy trì vai trò lực đỡ đến cuối phiên với mức đóng góp gần 1,4 điểm cho VN-Index. Xu hướng chính trong nhóm vẫn là phân hóa, tuy nhiên sắc đỏ của các cổ phiếu hạ nhiệt đáng kể khi không có mã nào giảm hơn 1%. Trong khi đó, 14/28 mã đóng cửa trong sắc xanh, bao gồm PGB, MBB, CTG, ACB, EIB, BID, SSB, VBB, BAB, TPB, BVB, STB, OCB, VPB, ...
Họ bất động sản đồng loạt hồi phục trong phiên chiều, điển hình như DXS tăng 6,4% lên 5.800 đồng/cp, cùng với HDG xanh 5%, DXG (+4,4%), ITA (+4,2%), VPH (+3,4%), AGG (+2,6%), HDC (+2,5%), TCH (+2,4%), NVL (+2,1%), VRE (+2%), HQC (+2%), ...
Một số cổ phiếu dòng phân bón, hóa chất cũng lấy lại sắc xanh, tiêu biểu như LAS tăng 9% lên 26.600 đồng/cp, CSV, BFC, DCM, DPM, LIX tăng 1,4 - 6,3%.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 3,17 điểm (0,25%) về 1.265,49 điểm, HNX-Index giảm 0,77 điểm (0,32%) xuống 240,13 điểm, UPCoM-Index giảm 0,29 điểm (0,3%) còn 96,98 điểm.
Sau phiên giảm mạnh trước đó, VN-Index trở lại với nhịp tăng hơn 2 điểm lúc mở cửa phiên sáng nay. Chỉ số chính sàn HOSE liên tục giằng co quanh tham chiếu trong thời gian còn lại của phiên sáng. Lực cầu có phần yếu thế hơn khi VN-Index hình thành mẫu hình có đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước. Chỉ số dừng phiên sáng giảm hơn 3 điểm.
Toàn thị trường ghi nhận 453 mã giảm, 286 mã tăng và 205 mã giữ giá tham chiếu. Trên HOSE, bên bán cũng chiếm ưu thế với 233 mã đỏ, 167 mã xanh và 65 mã giữ giá không đổi.
Nhóm vốn hóa lớn không còn đóng vai trò giữ nhịp cho thị trường, thay vào đó rổ VN30 gây áp lực lên chỉ số chính với nhịp giảm gần 7 điểm. Trong đó, FPT với nhịp giảm 2,2% trở thành lực cản chính của thị trường phiên sáng nay. Kế đó, giao dịch kém sắc của MSN, VHM, HDB, VIC, TCB, DGC, GVR, REE khiến chỉ số chính đánh mất sắc xanh.
Điểm sáng vẫn đến từ nhóm ngân hàng với nỗ lực gồng đỡ để thị trường không giảm quá sâu. Top10 mã ảnh hưởng lên VN-Index phiên sáng nay có tới 5 đại diện thuộc nhóm ngân hàng, trong đó VCB, BID và ACB đều nằm trong Top3. Bên cạnh đó, một số mã bank có vốn hóa nhỏ hơn cũng có giao dịch khởi sắc như PGB (+2,4%), VBB 9+1,95), EIB (+1,1%), VIB (+0,5%), …
Ở nhóm dầu khí, ngoài hai ông lớn PLX và GAS tăng lần lượt 2% và 0,4%, PSH xanh 2,1% lên 6.190 đồng/cp, các mã còn lại duy trì diễn biến điều chỉnh như OIL giảm 2,7% xuống 14.400 đồng/cp, PVO (-2,6%), PVD (-1,1%), PVS (-1%), BSR (-0,9%), PVT (-0,7%), TDG (-0,4%), …
Tại thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ ghi nhận kết quả trái chiều trong bối cảnh nhà đầu tư chuyển từ cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn sang cổ phiếu vốn hóa nhỏ, có tính chu kỳ.
Trong phiên giao dịch ngày 17/7, chỉ số S&P 500 giảm 1,39% và đóng cửa ở mức 5.588 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm 2,77% xuống 17.997 điểm, ghi nhận phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 12/2022.
Đồng thời, đây cũng là phiên đầu tiên Nasdaq Composite đóng cửa dưới mốc 18.000 điểm kể từ ngày 1/7. S&P 500 và Nasdaq chịu áp lực từ sự sụt giảm liên tục của các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn.