VN-Index mất mốc 1.030 điểm, 60 mã giảm sàn
Đóng cửa, VN-Index giảm 14,21 điểm (1,36%) về 1.028,19 điểm, HNX-Index giảm 5,17 điểm (2,44%) còn 206,17 điểm, UPCoM-Index giảm 1,35 điểm (1,64%) xuống 80,93 điểm.
Thị trường diễn biến tiêu cực trong phiên chiều ngay với áp lực điều chỉnh đến tất cả nhóm cổ phiếu. Ở nhóm vốn hóa lớn, 16/30 mã đóng cửa dưới ngưỡng tham chiếu. Trong đó các mã giảm mạnh nhất có thể kể đến như MWG giảm sàn trắng bên mua, SAB, SSI và GVR mất hơn 6% thị giá, VRE giảm 3,9%, PLX giảm 2,9%, ... Tương tự, VNMidcap và VNSmallcap đóng cửa thấp nhất phiên, lần lượt giảm 40,84 và 34,36 điểm.
Độ rộng thị trường ghi nhận hơn 754 cổ phiếu giảm giá, 169 cổ phiếu giữ mốc tham chiếu và chưa đến 200 cổ phiếu còn duy trì sắc xanh. Trên HOSE, số mã giảm cũng gấp gần 7 lần số mã tăng.
Theo quan sát, nhóm cổ phiếu ngân hàng (ACB, MBB, CTG, VCB, …) là nhân tố duy nhất giữ được sắc xanh nâng đỡ chỉ số.
Chiều ngược lại, dòng chứng khoán khá nhạy với diễn biến thị trường chung khi nhiều mã đóng cửa giảm sâu. Trong đó, FTS, VCI, IVS và PHS giảm hết biên độ; nhiều cổ phiếu của các ông lớn trong ngành như SSI, HCM, VND giảm hơn 5%.
Cùng với đó, cổ phiếu bất động sản tiếp tục là một trong các tác nhân chính kéo thị trường mất điểm, nổi bật có HQC, TCH, VGC, PDR đóng cửa trong sắc xanh sàn, QCG, ITA, HTN, GVR, DXS, NLG giảm 5 - 6,8%. Cùng với đó, GVR, VIC và VRE cũng có trong Top10 cổ phiếu đóng góp mức giảm mạnh nhất vào thị trường.
Thanh khoản thị trường tăng mạnh khi VN-Index về vùng giá thấp. Tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường ghi nhận gần 17.400 tỷ đồng, tương đương gần 904 triệu đơn vị. Tính riêng trên HOSE, thanh khoản khớp lệnh tăng 54% so với phiên trước lên hơn 13.600 tỷ đồng.
Tính đến 14h00,VN-Index giảm 5,27 điểm (0,51%) xuống 1.037,13 điểm, VN30-Index giảm 3,4 điểm (0,32%) về 1.044,23 điểm.
Áp lực bán dâng cao trong phiên chiều khiến VN-Index không thể giữ được sắc xanh. Trên HOSE, số cổ phiếu giảm áp đảo với 419 mã, trong khi chỉ có 75 mã tăng và 59 mã đứng giá tham chiếu.
Ở rổ VN30, cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động giảm sàn trắng bên mua về 37.700 đồng/cp. Mới đây, báo cáo tài chính hợp nhất quý III của MWG ghi nhận lãi sau thuế gần 39 tỷ đồng, chỉ bằng 4,3% cùng kỳ năm ngoái. Dù con số lợi nhuận đã có cải thiện so với hai quý đầu năm nhưng vẫn ở mức rất thấp so với giai đoạn trước đó.
Giải trình việc lợi nhuận suy giảm, MWG cho biết sức mua điện thoại và điện máy nhìn chung vẫn còn yếu và chưa có dấu hiệu hồi phục đáng kể (ngoại trừ một số sản phẩm do yếu tố mùa vụ). Doanh nghiệp thông tin khách hàng vẫn có nhu cầu mua sắm, thay thế sản phẩm hư hỏng nhưng dè dặt, cẩn trọng hơn trong các quyết định chi tiết khi tình hình kinh tế còn nhiều biến động.
Dừng phiên sáng, VN-Index tăng 1,57 điểm (0,15%) lên 1.043,97 điểm, HNX-Index giảm 0,99 điểm (0,47%) về 210,35 điểm, UPCoM-Index giảm 0,48 điểm (0,58%) xuống 81,8 điểm.
Thị trường sáng nay mở cửa tăng hơn 3 điểm với một vài nhóm cổ phiếu xuất hiện tín hiệu hồi phục từ đầu phiên. Dù vậy, với lực bán mạnh chiều qua thì VN-Index sau đó có những đợt rung lắc, biến động giằng co quanh mốc tham chiếu.
Điểm sáng là về cuối phiên, nhiều cổ phiếu lớn duy trì đà tăng, từ đó kéo VN30-Index và VN-Index lên trên mốc tham chiếu. Trong đó, VNM tăng 1,9% lên 68.900 đồng/cp, VRE, HPG, VIB, SSB, BID, CTG tăng trên 1%. Tuy nhiên, áp lực trên thị trường vẫn tương đối lớn khi các mã như MWG, SAB, BCM, ... đều chìm trong sắc đỏ.
Theo quan sát, nhóm ngân hàng tác động tích cực nhất lên thị trường phiên sáng nay với mức đóng góp gần 3 điểm cho VN-Index. Nhiều cổ phiếu trong ngành giao dịch khởi sắc như LPG (+3,8%), OCB (+1,6%), VIB (+1,4%), SSB (+1,2%), BID (+1,1%), CTG (+1,1%0, SHB (+1%).
Tương tự, cổ phiếu bất động sản hút tiền với nhiều mã tăng mạnh như DIG (+3,5%), DXG (+2,7%), CEO (+2,6%), HDC (+2%), ... Trong đó DIG và DXG lọt Top 10 cổ có khối lượng giao dịch lớn nhất phiên sáng nay.
Thanh khoản thị trường có sự cải thiện so với phiên trước, tổng giá trị giao dịch đạt gần 6.600 tỷ đồng, tương đương gần 346 triệu cổ phiếu được mua - bán trong phiên sáng nay. Trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HOSE tăng lên 5.216 tỷ đồng.
Giao dịch khối ngoại cũng là điểm sáng khi họ chuyển hướng mua ròng gần 180 tỷ đồng trên HOSE phiên sáng nay, trong đó dòng tiền nước ngoài chủ yếu tìm đến HPG (31 tỷ đồng), VND (25 tỷ đồng), VIX (24 tỷ đồng), FRT (19 tỷ đồng), KBC (18 tỷ đồng), ...