|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vingroup chính thức tham gia vào thị trường Ví điện tử

10:57 | 21/09/2019
Chia sẻ
Sau khi mua lại CTCP People Care, công ty sở hữu ví điện tử Monpay, CTCP VINID PAY - một công ty con trực thuộc tập đoàn Vingroup đã chính thức được cấp phép kinh doanh dịch vụ trung gian thanh toán này.
Vingroup chính thức tham gia vào thị trường ví điện tử - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn: VINID)

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ví điện tử cho CTCP VINID PAY (cấp lại lần 2 - Tên cũ là CTCP People Care - đơn vị sở hữu trực tiếp ví điện tử MonPay).

Giấy phép này có hiệu lực kể từ ngày kí đến ngày 3/8/2027. Đồng thời giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán NHNN cấp cho cho CTCP People Care sẽ hết hiệu lực kể từ ngày giấy phép mới có hiệu lực.

Theo tìm hiểu của người viết, CTCP VINID PAY có tiền thân là CTCP People Care thành lập vào 12/8/2016 có trụ sở chính công ty tại quận Long Biên, Hà Nội.

CTCP People Care được NHNN cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán vào tháng 3/2018. 

Đến tháng 5/2019, trong một văn bản gửi khách hàng, CTCP People Care cho biết CTCP VINID đã chính thức trở thành đại diện cho các cổ đông mới của công ty này. Đồng thời, đầu mối phụ trách thông tin liên lạc mới của People Care cũng được chuyển sang cho bà Hoàng Khánh Ngọc - một nhân sự của VINID.

Từ cuối năm 2018, ban lãnh đạo của People Care đã được "thay mới" hoàn toàn với sự xuất hiện của những nhân sự chủ chốt từ VinID. Ba Thành viên Hội đồng Quản trị cũ của People Care là ông Nguyễn Hải Đăng, ông Nguyễn Tiến Phúc và bà Nguyễn Kiều Anh, được thay thế bằng ông Vũ Quang Tùng, bà Nguyễn Thị Dịu và bà Nguyễn Minh Hồng.

Trong các nhân sự này, bà Dịu là Tổng Giám đốc của VinID, đồng thời là Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn Vingroup. Trong khi đó, bà Nguyễn Minh Hồng là một trong ba cổ đông sáng lập của VinID.

VINID là công ty con trực thuộc Tập đoàn Vingroup, được thành lập vào tháng 7/2018 với vốn điều lệ là 3.000 tỉ đồng, trong đó Vingroup góp 80% cổ phần.

Thẻ VINID là thẻ được cấp cho toàn bộ các khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của các công ty thành viên trực thuộc tập đoàn. Thẻ này có nhiều điểm tương đồng với ví điện tử, nhưng VINID là thẻ trung gian thanh toán.

Chia sẻ tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng cho biết thẻ VINID có 4 triệu thành viên.

Theo giấy phép được cấp, VINID PAY chỉ được cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là ví điện tử. Đồng thời, VINID PAY phải kết nối với một tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử (được NHNN cấp phép) khi cung ứng dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán cho các khách hàng có tài khoản tại nhiều ngân hàng.

Khi có nhu cầu và đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn của Bộ tiêu chuẩn kĩ thuật do tổ chức đã được NHNN Việt Nam cấp Giấy phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử ban hành, VINID PAY được thực hiện kết nối với tổ chức này theo qui định.

Cùng với đó, VINID PAY có trách nhiệm bổ sung bản sao văn bản hợp tác kết nối giữa VINID PAY với tổ chức này gửi NHNN để quản lí, theo dõi, giám sát.

Thị trường ví điện tử ngày càng "nóng"

Tính đến thời điểm hiện tại, NHNN đã cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho tổng cộng 31 tổ chức không phải là ngân hàng. Trong đó, riêng năm 2019, NHNN đã cấp 5 giấy phép mới và cấp lại 1 giấy phép.

Trong tháng 8, NHNN cũng đã cung cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho CTCP Công nghệ FINVIET.

Theo số liệu của NHNN, tính đến 31/12/2018, cả nước có 4,24 triệu ví điện tử đã được xác thực, liên kết với tài khoản ngân hàng. Giao dịch mỗi năm qua ví điện tử đạt 60 triệu với giá trị bình quân đạt 200.000 đồng/giao dịch. NHNN dự báo số người sử dụng ví điện tử tại Việt Nam sẽ đạt 10 triệu người vào năm 2020.

Mặc dù có hàng chục ví điện tử đang hoạt động trên thị trường nhưng theo số liệu của NHNN, 90% thị phần cả giá trị và số lượng giao dịch thuộc về 5 công ty trung gian thanh toán. Tất cả đều có sở hữu vốn nước ngoài từ 30% cho đến trên 90%.

Điều này đặt ra quan ngại lớn đối với cơ quan quản lí và Chính phủ, dẫn đến nguy cơ thao túng thị trường vào tay doanh nghiệp nước ngoài, đi cùng với đó là các dữ liệu quan trọng về dân cư, an ninh quốc gia…

Quốc Thụy