|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vingroup chi hơn 15.100 tỷ đồng để thâu tóm hàng loạt doanh nghiệp

07:30 | 05/09/2016
Chia sẻ
Vingroup gia tăng sở hữu tại hàng loạt công ty, từ đó nắm quyền kiểm soát và tham gia vào các siêu dự án.

Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên của Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC), Tập đoàn đã chi khoảng 15.122 tỷ đồng để mua công ty mới và tăng thêm sở hữu trong 8 tháng đầu năm 2016.

Thương vụ lớn nhất là nhận chuyển nhượng cổ phần CTCP Đô thị Du lịch Cần Giờ với giá trị chuyển nhượng là 8.473 tỷ đồng, để sở hữu thêm 62,5% cổ phần và nâng tỷ lệ biểu quyết lên 97,15%.

Du lịch Cần Giờ là chủ đầu tư dự án lấn biển Cần Giờ có tổng vốn đầu tư khoảng 400 triệu USD. Quy mô lấn biển của dự án khoảng 600 ha, ý tưởng dự án hình thành từ những năm 90, tuy nhiên đến 2007 mới bắt đầu khởi công. Giữa năm 2015, VIC được UBND TP HCM chấp thuận tham gia dự án. Đến tháng 10/2015, UBND TP chấp thuận tăng quy mô lấn biển lên 1.080 ha.

Tiếp theo đó là việc Vingroup hoàn tất việc mua thêm 16% cổ phần của CTCP Đầu tư Dịch vụ Thương mại TP HCM từ các cá nhân với tổng giá phí 2.400 tỷ đồng, nâng sở hữu lên 39,13%.

Đầu tư Dịch vụ Thương mại TP HCM được Bộ Quốc phòng lựa chọn là nhà đầu tư mua tài sản trên đất và nhận quyền chuyển nhượng sử dụng khu đất Ba Son, quận 1, TP HCM. Theo yêu cầu Bộ Quốc phòng thì nhà đầu tư phải ứng trước số tiền khoảng 4.500 tỷ đồng, đồng thời thực hiện nhanh chóng việc di dời, xây dựng Nhà máy đóng tàu Ba Son mới, trả tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất cũng như các cam kết hỗ trợ tài chính khác cho Tổng Công ty Ba Son.

Hiện khu đất Ba Son đang được VIC đầu tư siêu dự án Vinhomes Golden River, tổng diện tích đất hơn 25 ha, tọa lạc tại vị trí “vàng” số 2 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM.

vingroup chi hon 15100 ty dong de thau tom hang loat doanh nghiep
Phối cảnh dự án Vinhomes Golden River.

Một trong những thương vụ gây nhiều chú ý của Vingroup trong thời gian qua là thâu tóm CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Mã: TTF). Ngày 9/5/2016, VIC đã hoàn tất việc mua 49,9% cổ phần của TTF thông Công ty con là CTCP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát qua sàn chứng khoán với tổng giá phí là 1.282 tỷ đồng.

Theo tính toán từ kết quả giao dịch thì Tân Liên Phát đã mua 72,2 triệu cổ phiếu TTF với giá khoảng 17.767 đồng/cp.

Ngoài ra, ngày 11/5/2016, VIC nắm giữ hai khoản vay chuyển đổi do TTF vay với tổng giá trị 1.201 tỷ đồng. Điều khoản chuyển đổi của hai khoản vay có hiệu lực từ 11/5 và cho phép VIC chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông, qua đó tăng tỷ lệ sở hữu tiềm năng và lợi ích tiềm tàng của TTF thêm 16,3%.

Theo đó, nếu tính đến các công ty con (gồm 15 công ty con, 3 công ty liên kết và 1 công ty liên doanh) theo tỷ lệ lợi ích của TTF thì tỷ lệ lợi ích của VIC tại TTF là 66,2%, gồm cả lợi ích tiềm năng.

Tuy nhiên, đây dường như là thương vụ không thuận lợi của Vingroup (xem thêm).

Trong 7/2016, VIC hoàn tất nhận chuyển nhượng 40% cổ phần của CTCP Phát triển Thành phố Xanh với giá 1.242 tỷ đồng, nâng tỷ lệ biểu quyết lên 89,1%.

Được biết vào năm 2012, VIC nhận chuyển nhượng 15 triệu cổ phần Thành phố Xanh từ CTCP Đầu tư và Phát triển Sinh thái, nâng sở hữu lên 49 triệu cổ phần, tương đương 49%. Trong đó, VIC sở hữu trực tiếp 29% và gián tiếp qua công ty con Vinpearl 20%.

Thành phố Xanh được thành lập năm 2007 với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, để đầu tư dự án khu dân cư và Công viên Phước Thiện, quận 9, TP HCM (Vinhomes quận 9). Dự án có vốn đầu tư khoảng 17,400 tỷ đồng, tổng diện tích 280 ha, dự kiến xây dựng 1.500 biệt thự vườn và chung cư 3.000 căn hộ cao cấp kết hợp thương mại, dịch vụ.

vingroup chi hon 15100 ty dong de thau tom hang loat doanh nghiep
Phối cảnh khu biệt thự Vinhomes quận 9, TP HCM

Vingroup cũng đã mua 65,33% cổ phần của Công ty Sách Việt Nam – Savina (Mã: VNB) thông qua IPO Công ty TNHH MTV Sách Việt Nam với tổng giá phí 475 tỷ đồng.

Hoạt động của VNB là kinh doanh sách, văn hóa phẩm và văn phòng cho thuê. Điểm đáng chú ý tại VNB là Công ty đang thuê và quản lý 6 khu đất tại Hà Nội.

Khu đất tại số 2 Dịch Vọng với diện tích hơn 748 m2 đang triển khai xây dựng Trung tâm sách và văn hóa phẩm. Hai khu với diện tích lần lượt 9,160 m2 và 27.3 m2 tại huyện Đông Anh. Ba khu đất quận Hoàn Kiếm gồm 44 Tràng Tiền diện tích 712 m2; 22A và 22B Hai Bà Trưng diện tích lần lượt 1.202 m2 và 2.203 m2.

Bên cạnh đó, VNB có kế hoạch đầu tư dự án Savina Plaza tại số 22A - 22B Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm. Dự án được VNB bắt đầu thực hiện từ năm 2009 với công năng là trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê cao cấp, siêu thị sách. Tổng diện tích khu đất là 4.600 m2, mật độ xây dựng 80%, vào thời điểm năm 2009 tổng mức đầu tư dự là gần 602 tỷ đồng, đến thời điểm IPO (tháng 3/2016) tổng mức đầu tư dự án lên đến 902 tỷ đồng .

Theo tính toán của VNB, trong 5 năm khi đưa vào khai thác, dự án mang về doanh thu bình quân 160 tỷ đồng/năm, lãi sau thuế 62 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, trong dài hạn Công ty sẽ phát triển các dự án tại các vị trí đất đang sử dụng như Dịch Vọng, Đông Anh, Hàng Bài...

Ngoài ra cũng có thể kể tới một số thương vụ nhỏ hơn như mua 100% vốn của CTCP Nông sản Thực Phẩm Hoa Hồng Vàng từ các cá nhân với giá trị phí 21 tỷ đồng. Sau đó, Hoa Hồng Vàng được sáp nhập vào công ty con của VIC là VinEco.

Hay hoàn tất việc mua 100% cổ phần của CTCP Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Hoàng Lân với tổng giá phí là 28 tỷ đồng và đã được thanh toán một phần bằng tiền.

Đến ngày 1/4/2016, Hoàng Lân được sáp nhập vào Công ty VinEn, công ty con của VIC. Hoạt động chính của Hoàng Lân là sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp.

Tiến Vũ