|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

VinFast VF 3 - xe siêu nhỏ kéo cuộc chơi khổng lồ

08:21 | 17/05/2024
Chia sẻ
Giống như Fadil, một lần nữa hãng xe Việt khuấy động thị trường bằng một mẫu xe nhỏ, trong cuộc chơi nhiều tỷ USD.

Mặc cho màn ra mắt hoành tráng của Lux A và SA cùng David Beckham tại triển lãm ôtô Paris, Fadil - chiếc xe nhỏ với mức giá dễ chịu, đi cùng các chiến dịch ưu đãi chưa từng có trên thị trường - mới là sản phẩm mang lại doanh số ấn tượng cho startup Việt. Nhưng rồi đang ở đỉnh cao doanh số, tháng 7/2022, VinFast thông báo dừng bán xe xăng, khi mà Fadil đứng top 4 doanh số thị trường Việt sau nửa đầu năm.

Cú dứt áo của VinFast với xe xăng là việc bắt buộc để tập trung vào định hướng hãng xe thuần điện, dù rằng trên khía cạnh doanh số, các mẫu xe điện sau này của hãng chưa mẫu nào làm tốt như Fadil. Những VF e34, 5, 6, 7, 8, 9 dù sao cũng vẫn phải cạnh tranh trực tiếp với xe xăng, phương tiện chiếm ưu thế tại thị trường Việt hiện nay. Việc có thể "cắn" thị phần của xe xăng, được đánh giá đã là một thành công bước đầu trong mục tiêu xa nhất là thay thế hoàn toàn.

Nhưng nếu chỉ dừng lại ở những mẫu xe bán vài nghìn chiếc/năm và có tới chục cái tên trong danh mục sản phẩm, thì số tiền mà hãng thu về cũng chỉ là "muối bỏ bể" so với nhiều tỷ USD mà VinFast đã tiêu, và "không thấm vào đâu" với nhà máy rộng bằng 500 sân bóng đá, công suất 250.000 xe mỗi năm.

Hãng xe Việt vẫn luôn nhận nhiều hoài nghi về tính hiệu quả, mức độ thành công. Ở đại hội cổ đông của Vingroup năm ngoái, một cổ đông đã hỏi ông Phạm Nhật Vượng: "Liệu trong tương lai tập đoàn có dừng sản xuất giống như đã làm với mảng điện thoại trước đây?". Vị tỷ phú nói rằng, đây là dự án tiềm năng nhất của tập đoàn, và ông tiết lộ, sắp sản xuất một mẫu xe điện siêu nhỏ.

VF 3 bản tiền sản xuất tại nhà máy VinFast. Ảnh: Đức Huy

Đó là ngày 17/5/2023, và tròn một năm sau, ngày 16/5/2024, hãng cho biết nhận gần 27.700 đơn hàng VF 3 - chiếc xe điện siêu nhỏ mà ông Vượng nhắc tới vào năm ngoái, trong 66 tiếng, tức chưa đầy 3 ngày. Con số này là khá nhỏ nếu so với tốc độ 12.000 đơn hàng sau 6 tiếng mà VF 8 và VF 9 nhận được năm 2022, nhưng nó lại mang ý nghĩa hơn rất nhiều bởi mức độ "quan tâm thật sự" và "khả dụng cho sản xuất". Trước đây, VinFast cho phép khách hàng rút cọc nếu không thích, tức có một số lượng không nhỏ người dùng "đặt cho vui", nhưng với VF 3, số tiền cọc 15 triệu đồng sẽ không được trả lại nếu khách đổi ý. Vì tính chất như vậy, các khách hàng khi quyết định đặt cọc, đều phải cân nhắc kỹ tới khả năng nhận xe một cách nghiêm túc, không còn đơn thuần đặt cho biết, theo phong trào như trước đây.

Nếu so với quy mô thị trường ôtô Việt Nam hiện tại, con số 27.700 đơn hàng cho một dòng xe là "ngoại hạng". Mẫu xe bán chạy nhất 2023 là Mitsubishi Xpander với doanh số gần 20.000 xe. Trong khi đó, doanh số cả năm 2023 của Honda là 23.802 xe, tức còn nhỏ hơn số đơn đặt hàng của VF 3. Nếu tất cả khách đã cọc đều nhận xe, theo kế hoạch, VinFast sẽ giao 20.000 xe trong 2024, tháng 8-12. Có nghĩa, doanh số trung bình mỗi tháng của VF 3 sẽ vào ngưỡng 4.000 xe. Trong khi top 1 doanh số xe mỗi tháng cao nhất cũng chưa tới 1.600 xe. Tức triển vọng đứng đầu thị trường của VF 3 là khá sáng sủa.

Theo các chuyên gia trong ngành, tính chất sản phẩm mới lạ, cách định giá dễ tiếp cận và kinh nghiệm bán hàng của Vingroup là những yếu tố giúp VF 3 đạt lượng đơn hàng cao ngất ngưởng.

Về tính chất sản phẩm, không phải VF 3, mà Wuling Mini EV mới là mẫu xe tiên phong ở phân khúc xe điện mini, nhỏ hơn xe xăng cỡ A. Nhưng thứ khiến VF 3 thu hút hơn là kiểu dáng thiết kế, kích thước, hàm lượng tiện nghi và không thể thiếu yếu tố nguồn gốc. So với Mini EV, VF 3 rộng rãi hơn, kiểu dáng mạnh mẽ hơn, tiện nghi nội thất phong phú hơn. Đặc biệt, VF 3 do một hãng Việt Nam sản xuất, trong khi Wuling Mini EV là sản phẩm của một hãng xe Trung Quốc, lắp ráp ở Việt Nam. Nguồn gốc Trung Quốc luôn là một rào cản lớn với khách Việt.

Về cách định giá, theo Bùi Sinh, cựu quản lý của nhiều hãng xe cho biết, cách định giá của VF 3 giúp khách hàng dễ mua xe hơn. Thay vì trả khoản tiền hơn 300 triệu từ đầu, khách chỉ trả hơn 200 triệu với hình thức thuê pin. Quan trọng hơn nữa, rủi ro của khối pin sẽ do hãng chịu, người dùng hoàn toàn yên tâm không mất tiền để mua pin mới, dù rằng trong thời gian dài, phương án thuê pin có thể không còn tiết kiệm như mua cả pin từ đầu.

Cuối cùng, kinh nghiệm bán hàng của Vingroup được thể hiện đúng chỗ. Tập đoàn này luôn rất giỏi trong việc tạo ra những cơn sốt đặt hàng, dù dịch vụ, bất động sản hay giờ đây là xe. VF 3 là chiếc xe đầu tiên tại thị trường Việt Nam có hình thức livestream bán hàng trên mạng xã hội. Những KOL, diễn viên, ca sĩ thay phiên nhau xuất hiện suốt từ sáng tới tối ngày 14/5 trên Tiktok, nhiều người trong giới truyền thông đua nhau chia sẻ các mã giảm giá mang tên mình khi mua VF 3 trên Facebook.

"VF 3 tràn ngập các nền tảng mạng xã hội của tôi 3 ngày qua, dù thực sự tôi không mấy quan tâm vì chưa có khả năng mua xe hơi", một nữ nhân viên văn phòng 30 tuổi tại Hà Nội cho biết. Và thậm chí trong số những người đặt xe, có người chưa bằng lái. Với một chiếc xe chỉ hơn 200 triệu, những thông tin về khung gầm, động cơ, vận hành trở nên lu mờ, trước bảng màu sắc ngộ nghĩnh và hình dáng vui mắt.

Bảng màu ngộ nghĩnh là một yếu tố hướng tới khách hàng nữ.

Nikkei Asia từng phân tích thành công của Wuling Mini EV tại Trung Quốc với cách gọi đây là chiếc xe "thay cho đi bộ". Wuling nói rằng họ sản xuất những gì khách hàng cần, tức không thừa, không thiếu. Và tại Việt Nam, VF 3 đang đứng trước cơ hội để trở thành một hình ảnh tương tự, với mọi thứ là vừa đủ, không có điểm gì quá xuất sắc, nhưng đáp ứng đúng nhu cầu. VF 3 có thể hướng tới việc trở thành một phương tiện dễ mua cho người ít tiền, và một món phụ kiện thời thượng cho người nhiều tiền. Trước khi Wuling đưa về bán chiếc Baojun YEP với kiểu tạo hình và kích thước tương đương, VF 3 sẽ có đủ thời gian để hớt váng thị trường.

Nhưng có đơn đặt hàng chưa phải là điều kiện đảm bảo cho thành công cho VF 3 trong tương lai. Chuyên gia cho rằng, đảm bảo các vấn đề về hạ tầng sạc sẽ là việc hãng cần giải quyết. Sạc điện tại nhà vẫn là hình thức chủ yếu của người dùng trên toàn thế giới và Việt Nam, vì vậy bài toán tăng số lượng trạm sạc công cộng lên nhiều, chưa hẳn giải quyết triệt để nhu cầu của người dùng.

Ví dụ, hiện nay nhiều chung cư không lắp ổ sạc cho xe điện trong hầm, vì vậy người sống ở chung cư chỉ có cách sạc công cộng. "Nhưng không phải lúc nào ai đó cũng có nhu cầu tới trung tâm thương mại, và phải loanh quanh cho hết thời gian sạc điện, chưa kể những ngày điều kiện thời tiết không phù hợp", Bùi Sinh phân tích. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, sạc dưới hầm mới là trở ngại đau đầu nhất cho hãng, vì số lượng cư dân sinh sống ở chung cư là vượt trội so với nhà đất, nơi có thể chủ động ổ sạc.

Tuy vậy ông Sinh cho rằng VF 3 vẫn sẽ là một phương tiện rất phù hợp cho thị trường Việt Nam và các nước Đông Nam Á, với đặc thù đường sá nhỏ, chật, nhu cầu di chuyển trong nội đô là chủ yếu. Và đây cũng sẽ là nguồn ra đáng cân nhắc cho hãng, để có thể biến con số xe đặt hàng lên trăm nghìn, thay vì hàng chục nghìn. Tất nhiên, một chướng ngại vật rất lớn cản đường là các hãng xe tới từ Trung Quốc, với những cuộc đổ bộ ồ ạt từ số lượng thương hiệu, dòng xe và cả tốc độ xây dựng nhà máy.

Năm ngoái, bà Lê Thị Thu Thủy, khi ấy là CEO VinFast toàn cầu từng trả lời DealStreetAsia (trang tin tài chính của Singapore), rằng nếu sản xuất đạt 100.000-150.000 xe/năm, VinFast sẽ đạt điểm hòa vốn. Có nghĩa là mỗi năm, cần phải có 4-5 chiếc xe có lượng đặt hàng nhiều như VF 3 thời gian qua, thì VinFast mới có cơ hội không lỗ. Nếu chỉ trông chờ thị trường Việt Nam, chuyên gia cho rằng rất khó để đạt con số này trong một vài năm tới, nhưng không phải bất khả thi. Năm thị trường bán tốt nhất 2022, hãng bán nhiều nhất khi đó là Toyota đã giao hơn 91.000 xe tới tay khách hàng, tức chỉ cách mốc hòa vốn mà bà Thủy nhận định khoảng 9.000 xe.

Ông Vượng luôn nói rằng VinFast là một dự án không đơn thuần là kinh doanh, không phải vì tiền, mà vì " trách nhiệm đóng góp đất nước". Nhưng dù với ý nghĩa gì, hãng xe Việt vẫn là một start-up kinh doanh, tức chỉ có thể phát triển, nếu hoạt động kinh doanh dần hòa vốn và có lợi nhuận.

Khi các thông tin về nhà máy tại Mỹ triển khai chậm, doanh số ở các thị trường nước ngoài chỉ là thêm thắt, hàng tỷ USD vẫn phải bơm thêm mỗi năm để nuôi VinFast, sự xuất hiện và bước đầu tạo ấn tượng tốt của VF 3 là cơ sở để hãng chờ đợi vào những làn gió mát lành.

Tất nhiên, một hãng xe lớn không thể chỉ trông chờ vào những chiếc xe siêu nhỏ, chuyên gia phân tích. Vì có "hot" tới cỡ nào, đó cũng là chỉ là những phân khúc thêm thắt, bởi đơn thuần dòng xe đó không đủ để đáp ứng các nhu cầu cao hơn ở một chiếc ôtô.

"Nếu VinFast tận dụng tốt bàn đạp VF 3 để phát triển doanh số ở các phân khúc cao hơn, lúc ấy họ mới mang dáng dấp một ông lớn đích thực", một chuyên gia chiến lược trong ngành nhận định.

Đức Huy