VinFast tăng tốc giành thị phần khi thị trường đang phân chia lại
Trong khi xe điện đang làm rung chuyển ngành công nghiệp ô tô vốn dĩ trì trệ, VinFast đã nhìn thấy cơ hội để giành thị phần trước khi các thế lực lớn chi phối thị trường.
Hãng xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng thừa nhận rằng khoảng thời gian thuận lợi này sẽ không kéo dài được lâu vì các nhà đầu tư sẽ dần mất kiên nhẫn với tình trạng thua lỗ. Do đó, hãng đặt ra mục tiêu đầy tham vọng: Nhanh chóng thu hút khách hàng tại 50 thị trường, từ Mỹ tới Ấn Độ - nơi mà nhiều người mua xe chưa từng nghe đến tên tuổi VinFast.
"Thực lòng mà nói, chúng tôi cảm thấy đây là cơ hội để một công ty Việt Nam như chúng tôi vươn tầm toàn cầu khi ngành công nghiệp ô tô đang trải qua một sự thay đổi mang tính cơ cấu rất lớn", bà Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch VinFast toàn cầu, cho biết tại Hội nghị thượng đỉnh Công nghệ Xanh châu Á do Nikkei và Financial Times tổ chức.
Bà Thủy đã thảo luận về chi phí môi trường của xe điện, vai trò của phương tiện giao thông công cộng và kế hoạch hòa vốn của công ty vào năm 2025.
Vương miện xe điện toàn cầu đang bị bỏ ngỏ khi lòng trung thành với thương hiệu của những chiếc xe chạy bằng xăng đang phai nhạt. Nhưng ngay cả những gã khổng lồ như Tesla và Toyota cũng phải chứng tỏ bản thân trong lĩnh vực mới này, và VinFast - bắt đầu sản xuất xe điện vào năm 2021, đã có một khởi đầu không dễ dàng.
VinFast phải đối diện với những phản hồi từ giới chuyên môn và vụ việc triệu hồi xe sau khi gia nhập thị trường Mỹ vào năm ngoái. Cổ phiếu VFS của VinFast hiện được giao dịch quanh mức 5 USD/cp vào ngày 13/3 (giờ Mỹ) so với mức đỉnh 82 USD/cp vào tháng 8/2023.
Cùng lúc đó, những tân binh khác như Nikola của Mỹ và Nio của Trung Quốc đang vật lộn để tồn tại trong bối cảnh thị trường giảm tốc. Dù vậy, Việt Nam được các chuyên gia đánh giá có thể là một trong số ít quốc gia có khả năng tạo ra được đối thủ cạnh tranh với các nhà sản xuất đến từ phương Tây hoặc các nền kinh tế lớn ở châu Á.
Khi được hỏi VinFast có thể chinh phục khách hàng như thế nào, bà Thủy đã tập trung vào thị trường Việt Nam, nơi 80% khách hàng của VinFast thuê pin nhờ đó giá xe điện ngang bằng với giá xe xăng cùng phân khúc.
Theo hồ sơ gửi Sở Giao dịch chứng khoán Mỹ ngày 22/2, VinFast cho biết 72% doanh số trong năm 2023 là bán cho Xanh SM - một hãng taxi thuộc sở hữu của ông Phạm Nhật Vượng.
Tại Mỹ, chính sách cho thuê pin của VinFast từng một lần tạm dừng, dẫn tới việc khách hàng lo ngại về giá bán xe ban đầu sẽ cao.
"Rõ ràng lợi nhuận là điều quan trọng", bà Thủy nói, đồng thời cho biết VinFast sẽ hòa vốn vào năm tới. "Thời kỳ nhà đầu tư đổ tiền vào các công ty xe điện chỉ vì doanh nghiệp của bạn có một mẫu xe ý tưởng trông thực sự thú vị đã qua rồi. Tôi nghĩ cổ phiếu xe điện đã mất giá rất nhiều”.
Bà cho biết công ty có một nguồn thu nhập ổn định từ việc cho thuê pin, điều này "cũng có tiềm năng thúc đẩy đáng kể doanh số bán xe ở các thị trường mới”.
Mục tiêu ưu tiên khác của hãng là "giảm 40% chi phí vật liệu trong vòng hai năm kể từ khi ra mắt mỗi mẫu xe, một phần thông qua kỹ thuật và một phần thông qua việc tối ưu nguồn cung ứng”.
"Nếu mọi người tin rằng xe điện là tương lai của ngành công nghiệp ô tô, thì đây là thời điểm tuyệt vời để đầu tư", bà Thủy nói.
Sự trỗi dậy của xe điện đã góp phần châm ngòi cho cuộc chạy đua toàn cầu giành nguyên liệu sản xuất pin, vốn tự nó cũng tạo ra một loạt các vấn đề về môi trường.
Theo học giả Toru Okabe, trong khi chuyển sang xe điện giúp cắt giảm khí thải carbon từ việc lái xe, các doanh nghiệp vẫn chưa ý thức đủ về tác hại của việc khai thác mỏ hoặc chất thải do pin và phần còn lại do chuỗi cung ứng xe điện tạo ra.
Một mối quan ngại khác là xe điện vẫn góp phần làm tăng lượng xe cá nhân lưu thông trên đường và có thể khiến người dân giảm sử dụng phương tiện công cộng.
Khi được hỏi liệu điều này có nghĩa là xe điện là một phần của vấn đề, bà Thủy cho rằng chúng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm khí thải từ ống xả, mặc dù bà thừa nhận cần có thêm năng lượng tái tạo "để làm cho xe điện thân thiện với môi trường hơn."
VinFast cũng vận hành xe buýt điện ở Hà Nội và TP HCM. Đây là lựa chọn thay thế cho người dân thường di chuyển bằng xe máy, giúp họ tránh khỏi tình trạng kẹt xe, ngột ngạt khói bụi.