Thỏi nam châm hút doanh số VinFast
Quang - một tài xế taxi Xanh SM tại Hà Nội, quả quyết nếu mua, chiếc xe tiếp theo của anh sẽ là ô tô điện. “Đi rất nhàn, chi phí chỉ bằng 1/3 so với chạy xe xăng. Rất phù hợp với nghề dịch vụ như này”, Quang nói.
Rào cản lớn nhất để Quang chưa mua xe điện lại đến từ giá cả, khi những chiếc ô tô điện hiện tại đều có giá trị cao. Năm ngoái, gần một nửa người tiêu dùng tham gia khảo sát của S&P Global trên khắp thế giới cho biết họ thấy giá xe điện hiện nay quá cao, dù họ hiểu tại sao công nghệ này còn đắt đỏ.
Do đó, giá xe là rào cản lớn mà các hãng xe điện phải vượt qua khi tiếp cận người tiêu dùng.
Tại Việt Nam, dù các ông lớn ngoại trong ngành ô tô đã có những bước đi thăm dò thị trường, song chưa một tên tuổi nào thực sự cho thấy mong muốn thúc đẩy doanh số xe điện, bởi miếng bánh xe xăng vẫn còn quá hấp dẫn.
Riêng với VinFast thì khác. Hãng xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã chuyển hoàn toàn sang sản xuất xe thuần điện từ 2022, do đó tăng doanh số bãn xe điện là một nhiệm vụ bất khả kháng cho VinFast nếu muốn vượt qua giai đoạn thua lỗ và tiến tới có lãi.
Tăng doanh số là một trong hai mục tiêu trọng tâm được ban lãnh đạo VinFast đề ra trong năm nay. Nếu làm được, VinFast được dự báo sẽ có lãi gộp vào cuối năm, cũng như bắt đầu có lãi vào năm sau.
Từ đầu năm đến nay, VinFast ráo riết thực hiện chiến lược này với những động thái có thể coi là trợ giá cho người mua xe.
Đầu tiên phải kể đến việc công ty phát động trở lại chiến dịch “Mãnh liệt tinh thần Việt Nam”, trong đó đưa ra loạt chính sách hỗ trợ thúc đẩy người tiêu dùng mua ô tô điện mới. VinFast hỗ trợ người vay mua xe cao nhất 70% giá trị xe trong thời gian tối đa 8 năm. Trong hai năm đầu, áp dụng lãi suất 5%, 8% trong ba năm tiếp theo và 9,5% trong ba năm cuối.
Tất cả chi phí hỗ trợ lãi suất và rủi ro phát sinh trong suốt 8 năm sẽ do VinFast chịu, bao gồm cả phần chênh lệch nếu lãi suất thả nổi của ngân hàng cao hơn các mức trên.
Theo ước tính của VinFast, ngoài phần vốn tự có ban đầu, mỗi tháng khách hàng chỉ cần chi trả từ 5,29 triệu đồng tiền gốc cộng lãi - thấp hơn cả chi phí thuê xe trên thị trường, là có xe đi, và chính thức sở hữu xe chỉ sau 8 năm.
Để cạnh tranh trực diện với xe xăng cùng phân khúc, VinFast cam kết giá bán các mẫu xe điện không kèm pin luôn rẻ hơn hẳn xe xăng, chi phí thuê pin và sạc điện/km cũng rẻ hơn chi phí nhiên liệu hóa thạch.
Ban lãnh đạo VinFast nhận định với chính sách này, “hầu hết người tiêu dùng Việt, kể cả tầng lớp lao động phổ thông đều có khả năng hiện thực hóa giấc mơ có xe ô tô một cách đơn giản và dễ dàng”.
Không chỉ tiếp cận người dùng mới chính sách “chưa từng có” trên thị trường - như lời VinFast, hãng xe cũng muốn thu hút thêm lượng khách hàng mới từ hơn 20.000 tài xế taxi Xanh SM hiện tại.
Để làm được điều này, VinFast đưa ra chính sách hỗ trợ đối tác tài xế hoạt động trên nền tảng Xanh SM Platform mua xe ô tô điện trả góp qua ngân hàng bằng cam kết duy trì mức chia sẻ doanh thu tới 80% trong ba năm đầu.
Nếu tài xế Xanh SM Platform mua xe VinFast bằng hình thức trả góp hoặc trả thẳng theo chính sách đang triển khai, sẽ được cam kết mức chia sẻ doanh thu tối thiểu 78% nếu đạt hạn mức, chỉ tiêu tối thiểu và lên tới 80% nếu vượt hạn mức cũng như được thưởng.
GSM - đơn vị sở hữu Xanh SM Platform, cho biết chính sách này nằm đảm bảo cho các tài xế có nguồn thu nhập ổn định và chủ động với phương án tài chính.
Tổng giám đốc GSM toàn cầu, ông Nguyễn Văn Thanh, cho biết chính sách “chưa từng có tiền lệ” này sẽ thúc đẩy tài xế trên toàn quốc, qua đó tăng nhanh lượng xe điện lưu thông trên đường.
Theo báo cáo gửi Sở Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC), GSM chiếm 72% tổng doanh số bán xe của VinFast trong năm ngoái. Rõ ràng với chính sách mới nhất này, GSM sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng là lực đẩy cho doanh số VinFast trong thời gian tới.
Quy mô của GSM đang được mở rộng nhanh chóng. Tháng 11 năm ngoái, GSM mang dịch vụ Xanh SM sang Lào, tới đây là Philippines và Indonesia. Công ty cho biết từ nay đến hết năm 2025, sẽ mở rộng tới 9 quốc gia. Hiện chưa rõ các chính sách hỗ trợ tài xế mua xe điện có được GSM áp dụng tại thị trường nước ngoài hay không.
Không chỉ trong nước, trong ba tháng đầu năm VinFast đã liên tục có những hoạt động mới nhằm phát triển và mở rộng thị trường nước ngoài. Trung tuần tháng 2, VinFast giới thiệu dải xe điện tay lái nghịch ở Indonesia, đồng thời ký kết bản ghi nhớ với 5 đại lý phân phối xe đầu tiên tại đây.
VinFast cũng có kế hoạch đầu tư vào Philippines, với những sản phẩm đầu tiên là xe máy, ô tô và xe bus điện. Ông Phạm Nhật Vượng nhấn mạnh Philippines là “một trong những thị trường đặc biệt quan trọng trong chiến lược vươn ra khu vực và quốc tế” của VinFast.
Tại Trung Đông, cuối tháng 2, VinFast bắt tay với Bahwan Automobiles Trading trong việc phân phối xe điện tại thị trường Oman.
Trong giai đoạn 2024 - 2027, Bahwan dự kiến mở và vận hành 13 cửa hàng và xưởng dịch vụ VinFast. Cửa hàng đầu tiên dự kiến khai trương vào giữa năm 2024 và bán các mẫu xe điện VinFast VF 6, VF 7, VF 8, và VF 9 khi các mẫu xe này ra mắt thị trường.
Trên toàn cầu, VinFast dự kiến đẩy mạnh hợp tác với các đại lý thứ ba, nhằm tận dụng mạng lưới địa phương và chuyên môn để tăng cường giao xe, mở rộng kênh phân phối. Hãng dự kiến đạt khoảng 400 điểm bán hàng trên toàn cầu vào cuối năm nay trong đó gồm 130 điểm tại Bắc Mỹ.
Có thể thấy, một loạt những động thái được gấp rút triển khai chỉ trong chưa đầy ba tháng đầu năm 2024 đều mang màu sắc lãnh đạo của ông Phạm Nhật Vượng khi vị tỷ phú hoán đổi vai trò CEO và Chủ tịch cho bà Lê Thị Thu Thuỷ từ cuối năm ngoái, để trực tiếp chỉ đạo điều hành VinFast.
Năm 2023, ông Phạm Nhật Vượng từng khẳng định với cổ đông rằng khi doanh thu tăng, VinFast sẽ sớm có lãi và đem lại niềm vui tài chính cho mọi người. Năm ngoái, VinFast đạt 1,2 tỷ USD doanh thu, tăng 91% so với năm 2022. Trong đó, quý IV ghi nhận lần đầu tiên mảng kinh doanh ô tô đóng góp doanh thu lớn nhất cho tập đoàn mẹ Vingroup.