VinFast giảm chi tiền cho R&D
VinFast cho biết mục tiêu then chốt trong năm nay là tối ưu hoá chi phí. Hãng xe đang thực hiện các sáng kiến nhằm giảm chi phí vật liệu trên mỗi mẫu xe sau hai năm ra mắt xuống 40%.
Một phần thông qua các nỗ lực kỹ thuật như thiết kế lại phụ tùng, tối ưu hoá nền tảng. Giảm chi phí còn lại thông qua sáng kiến về nguồn cung và mua sắm như nội bộ, chuyển đổi nhà cung cấp.
Bên cạnh đó, VinFast tiếp tục tối ưu hoá chi phí sản xuất và các chi phí khác.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh gửi Sở Giao dịch và Chứng khoán Mỹ, VinFast đã chi 14.534 tỷ đồng năm 2023 cho công tác R&D (nghiên cứu và phát triển), giảm 27% so với năm 2022.
VinFast cho biết mức giảm này tương ứng với 4 mẫu xe điện VF 8, VF 9, VF 5 và VF 6 chuyển từ giai đoạn phát triển sang giai đoạn sản xuất thương mại trong năm qua.
Tổng cộng, từ 2020 đến nay, VinFast đã dành gần 50.000 tỷ đồng (tức hơn 2 tỷ USD) riêng cho việc nghiên cứu và phát triển. Chi phí này luôn chiếm phần lớn trong tổng chi phí hoạt động của hãng xe. Năm ngoái, dù có giảm nhưng vẫn là năm VinFast chi nhiều tiền thứ hai cho R&D, sau 2022 - thời điểm công ty đẩy mạnh ra mắt dải xe thuần điện trên toàn cầu.
Tại cuộc họp công bố kết quả kinh doanh, Chủ tịch VinFast Lê Thị Thu Thuỷ ước tính mỗi quý hãng xe dành từ 100 tới 150 triệu USD cho R&D và con số này đang giảm vì đã hoàn thiện phần lớn các dòng xe điện.
Ngoài R&D, các chi phí khác như CapEx (vốn đầu tư cho sản xuất), SG&A (bán hàng, hành chính và quản lý doanh nghiệp) của VinFast cũng đang được tối ưu qua các quý. Riêng trong quý IV/2023, VinFast đã đầu tư 218 triệu USD cho việc ra mắt hai mẫu xe VF 6 và VF 7, đồng thời phát triển trạm sạc và mạng lưới phân phối.
Nhờ đó, lỗ hoạt động VinFast trong quý IV/2023 giảm 18% so với quý liền trước và giảm 106% so với cùng kỳ năm 2022.
“Điều này có được là do doanh số bán hàng tăng và chi phí hoạt động ổn định. Để kết luận, tôi muốn chia sẻ lại rằng chúng tôi đã bắt đầu thấy nhiều cải thiện trên tất cả các lĩnh vực trong quý IV và cả năm tài chính. Tôi rất hào hứng về quý tới khi tiếp tục mong đợi những thay đổi tích cực, và kết quả của việc liên tục tập trung vào tăng trưởng doanh thu, tối ưu hoá chi phí”, bà Thuỷ nhấn mạnh.
Chủ tịch VinFast ước tính tổng đầu tư vốn và R&D trong giai đoạn 2024 - 2025 sẽ nằm trong khoảng từ 1 tỷ đến 1,5 tỷ USD. Một phần khoản đầu tư này là bắt buộc, tuy nhiên một phần khác có thể được hoãn lại sang giai đoạn sau. Đây là con số ước tính dựa trên thông tin hiện tại.
Bà Thuỷ nói rằng hiện VinFast còn khoảng 680 triệu USD từ tiền tài trợ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và tập đoàn mẹ Vingroup. Dự kiến số tiền này sẽ được giải ngân trong nửa đầu năm nay.
Tháng 4 năm ngoái, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cam kết hiến tặng 1 tỷ USD cho VinFast từ nguồn tài sản cá nhân, trong khi tập đoàn Vingroup sẽ tài trợ không hoàn lại 500 triệu USD và cho vay 1 tỷ USD với thời hạn 5 năm.
Bên cạnh đó, hai cổ đông lớn kiểm soát bởi tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ tặng cho VinFast toàn bộ số tiền ròng thu được từ bán 46 triệu cổ phiếu, theo thông tin đã đăng ký tại Bản cáo bạch F-1 nộp cho SEC gần đây.
Không chỉ quyên tặng tiền mặt, đầu tháng 10/2023, ông Vượng tiếp tục tặng 99,8% cổ phần CTCP Giải pháp Năng lượng VinES cho hãng xe điện VinFast. VinES là công ty thành viên của Vingroup có tổng vốn pháp định 6.500 tỷ đồng.
Mới đây, VinFast cho biết sẽ tăng tỷ lệ free float (khối lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng so với tổng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường) từ 2% hiện nay lên 10-20% vào cuối năm.
Trong thời gian tới, dự kiến VinFast sẽ vẫn còn cần nguồn vốn lớn để phát triển. Trước hết là nhà máy trị giá 4 tỷ USD đang xây dựng tại Mỹ, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025.
Kế đến là nhà máy trị giá 500 triệu USD đầu tư ban đầu tại Ấn Độ được động thổ hôm 25/2. Hãng xe cũng có kế hoạch đầu tư tối thiểu 1,2 tỷ USD vào Indonesia, trong đó dành 200 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất xe điện và pin điện.
Thời điểm VinFast có lãi
Năm 2023, trong đại hội cổ đông thường niên, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng nói rằng khi sản lượng tăng cao, VinFast sẽ tối ưu chi phí và dần có lãi. Đợi khi thị trường sầm uất trở lại, VinFast có đầy đủ dải sản phẩm, kinh doanh có lãi thì sẽ sớm mang lại niềm vui về tài chính cho mọi người”.
Trong cuộc họp công bố kết quả kinh doanh mới đây, bà Lê Thị Thu Thuỷ tiếp tục nhắc về thời điểm này, khi dự báo công ty sẽ đạt được biên lợi nhuận gộp dương vào cuối năm nay và sẽ tiếp tục được cải thiện trong năm sau.
“Nhìn vào xu hướng, biên lãi gộp đang tốt hơn theo từng quý. Như đã nói trước đó, chúng tôi kỳ vọng vào cuối năm 2024, biên lãi gộp sẽ gần bằng 0%. Và sau đó chúng tôi sẽ tiến vào vùng lợi nhuận [có lãi - pv] trong năm tới”, bà Thuỷ nói.