|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

VinFast đối mặt bài toán tuyển dụng 7.500 công nhân cho nhà máy tại Mỹ

17:10 | 11/12/2023
Chia sẻ
VinFast sẽ phải đối diện với kế hoạch đào tạo nguồn nhân sự chất lượng cao, lành nghề trước khi tiến hành sản xuất ô tô điện tại Mỹ vào năm 2025.

Vào một ngày cuối tháng 7, VinFast đã động thổ nhà máy sản xuất ô tô điện đầu tiên ở nước ngoài, tại hạt Chatham, Bắc Carolina, Mỹ. Lãnh đạo VinFast cùng các quan chức địa phương, trong đó có Thống đốc bang Roy Cooper và CEO Lê Thị Thu Thuỷ đã cầm xẻng xúc cát làm lễ.

“Sự kiện ngày hôm nay đánh dấu cột mốc mới của VinFast. Khẳng định cam kết của chúng tôi với thị trường Bắc Mỹ”, bà Thuỷ nói.

Quy mô của dự án là đáng kinh ngạc đối với cả VinFast và Bắc Carolina. Sau khi hoàn thành, nhà máy trị giá 4 tỷ USD sẽ là nhà máy sản xuất ô tô đầu tiên tại Bắc Carolina và là một trong những sáng kiến phát triển kinh tế lớn nhất lịch sử bang.

 Lễ động thổ nhà máy VinFast tại Mỹ. (Ảnh: Getty).

Tại đây, sau khi hoàn thành việc xây dựng vào năm 2025, VinFast có kế hoạch sản xuất hơn 150.000 xe điện, tạo ra 7.500 việc làm tại địa phương trong thập kỷ tới.

Nếu kế hoạch thành công sẽ mở ra cơ hội thâm nhập cho VinFast vào thị trường xe điện Mỹ, đồng thời được hỗ trợ bởi khoản tín dụng thuế 7.500 USD cho các mẫu ô tô điện lắp ráp tại Mỹ.

Để nhà máy thành công, đòi hỏi các tổ chức giáo dục Bắc Carolina phải đào tạo một lực lượng lao động hoàn toàn mới. Các nhà giáo dục nói với tờ Rest of World rằng VinFast cần phải thích ứng với thói quen của các công nhân Mỹ.

Phần lớn, các chương trình đào tạo lao động sẽ thông qua quan hệ đối tác với trường cao đẳng Cộng đồng Trung tâm Carolina (Central Carolina Community College - CCCC). Đây là trường cao đẳng hệ hai năm có cơ sở tại quận Chatham và có hơn 5.000 sinh viên đăng ký.

Với các chương trình đào tạo hiện có về hệ thống điện và công nghiệp, trường đang xây dựng một cơ sở sản xuất hoàn toàn mới. 

Bà Erin Blakely, Giám đốc dự án đào tạo nguồn nhân lực riêng cho VinFast tại trường cho biết đến nay phía doanh nghiệp đang hồi đáp rất tích cực. 

“VinFast nhận thức rất rõ rằng hoạt động kinh doanh tại Bắc Carolina khác với Việt Nam. Để thành công, họ biết mình cần phải thích nghi với cách làm việc của người Mỹ”, bà Blakely nói.

Gần như mỗi ngày Blakely đều gặp gỡ lãnh đạo nhân sự của VinFast để đưa ra các gói phúc lợi và lương cạnh tranh cho công nhân trong tương lai, đồng thời đưa ra chương trình đào tạo phù hợp cho lực lượng lao động mới.

Bà cho biết VinFast dự định sẽ thuê phần lớn lao động tại Bắc Carolina và các bang lân cận. Những lao động này có thể sẽ phải có kỹ năng hiểu biết về hệ thống công nghiệp, tự động hoá hoặc kinh nghiệm sản xuất tiên tiến.

“VinFast cũng đang hợp tác với các trường đại học và cao đẳng địa phương để xây dựng chương trình giảng dạy về STEM nhằm đón đầu xu hướng, giúp thế hệ tương lai dễ dàng tiếp cận khoa học và công nghệ, tìm việc làm liên quan đến giao thông vận tải với mức lương cao”, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành của VinFast, cho biết.

 Xe điện VinFast trong một showroom. (Ảnh: AFP).

Bà Margaret Roberton, Phó Chủ tịch phát triển lực lượng lao động tại trường cao đăng Cộng đồng Trung tâm cho biết VinFast đã “tích cực tham gia” để tuyển dụng nhân viên cho nhà máy của mình.

Roberton cho biết bà hy vọng sẽ thấy một lộ trình trực tiếp được tạo ra trong các hệ thống trường công lập lân cận để hỗ trợ cho các nỗ lực tuyển dụng.

Việc đào tạo công nhân lành nghề ở nhà máy tại Bắc Carolina đặc biệt quan trọng vì các vấn đề kiểm soát chất lượng là ưu tiên đối với VinFast.

“Giống việc bạn thực hiện bước thứ ba trước cả khi thực hiện bước đầu tiên. Nó đòi hỏi rất nhiều đầu tư. Đối với một công ty khởi nghiệp, việc huy động được số tiền lớn là một thách thức thực sự”, ông Martin Schröder, Phó Giáo sư tại Đại học Ritsumeikan, Nhật Bản, người nghiên cứu về ngành công nghiệp ô tô, nói.

Lãnh đạo bang đã đưa ra rất nhiều động lực hỗ trợ VinFast. Bắc Carolina đã cung cấp cho VinFast gói 1,2 tỷ USD để xây dựng nhà máy, bao gồm 38 triệu USD dành cho đào tạo nghề từ trường cao đẳng địa phương. Công ty sẽ nhận được khoản tiền hoàn trả lên tới 316 triệu USD từ tiểu bang trong 30 năm nếu đáp ứng các mục tiêu tuyển dụng.

“Thu hút đầu tư từ một doanh nghiệp như này sẽ mang đến nhiều việc làm. 7.500 lao động là một con số hào nhoáng nhưng thực sự nó cũng liên quan đến tất cả tác động kinh tế khác xung quanh”, ông Robert Reives II, một đảng viên Dân chủ đại diện cho quận Chatham tại hội đồng bang, nói.

Ông Reives tin tưởng vào khả năng thành công của VinFast tại quê nhà. Ông kỳ vọng mọi người ở quận Chatham sẽ gặt hái được những lợi ích kinh tế. VinFast đã “vượt qua rất nhiều khó khăn để đạt được vị trí như ngày nay”, và có nguồn tài chính cần thiết để chịu một số cú sốc về tài chính trong giai đoạn đầu, vị nghị sĩ nói thêm.

Đánh giá qua việc huy động vốn, VinFast dường như sẵn sàng chi một khoản tiền lớn để đảm bảo thành công của nhà máy. 

Tháng 10, VinFast đã ký thỏa thuận với một công ty đầu tư của Mỹ cho phép họ huy động tối đa 1 tỷ USD tiền mặt để đổi lấy cổ phần. Trước đó tháng 4, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng đã cam kết hỗ trợ thêm 2,5 tỷ USD cho công ty.

Nhà máy của VinFast cũng nằm ở trung tâm của một cuộc chiến lao động đang gia tăng trong nước Mỹ.

Sau khi đạt được thỏa thuận với ba nhà sản xuất ô tô lớn gồm Tesla, Toyota và Honda vào tháng 11, công đoàn United Auto Workers (UAW) đã đặt mục tiêu thành lập công đoàn cho các công nhân xe điện trên khắp nước Mỹ. 

Tháng 3/2022, khi VinFast tuyên bố họ sẽ đến North Carolina, Chủ tịch UAW khi đó là Ray Curry đã nói với giới truyền thông rằng tổ chức này có kế hoạch thành lập công đoàn cho nhà máy của VinFast. Nhưng lãnh đạo VinFast đã hạ thấp khả năng thành lập công đoàn cho nhà máy. 

“Còn quá sớm để VinFast thảo luận về sự tham gia của công đoàn vào giai đoạn này”, bà Vân Anh cho biết. “Nhà máy của chúng tôi sẽ có các chính sách nhân sự phù hợp và cạnh tranh”.

Các số liệu sơ bộ cho thấy VinFast sẽ trả cho công nhân khoảng 51.000 USD một năm, thấp hơn 15.000 USD so với mức lương mà công nhân thuộc tổ chức công đoàn United Auto Workers nhận được tại ba công ty lớn.

Đức Huy (theo Rest of World)

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.