Vinataba kiến nghị duy trì tiêu hủy thuốc lá lậu bị tịch thu
Vinataba kiến nghị, không nên cho tái tiêu thụ thuốc lá nhập lậu bị tịch thu bởi rất nhiều lý do. (Ảnh: Vinataba) |
Vào tháng 4, Văn phòng Chính phủ có công văn thông báo ý kiến của Thủ tướng, cho phép thuốc lá nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng thực hiện thí điểm theo hướng bán đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất; thời hạn thí điểm là 1 năm, sau đó sẽ đánh giá từng năm để gia hạn việc thí điểm.
Tuy nhiên, Vinataba nhấn mạnh: không nên cho tái tiêu thụ thuốc lá nhập lậu bị tịch thu bởi rất nhiều lý do.
Một trong những nguyên nhân đầu tiên là loại thuốc lá này không đáp ứng được tất cả các điều kiện về chất lượng, hình thức, nhãn mác… về sản phẩm thuốc lá. Việc xác định thuốc lá nhập lậu còn chất lượng hay không là rất khó khăn và tốn thời gian, có thể làm phát sinh rất nhiều chi phí quản lý cho việc kiểm định chất lượng, tiến hành đấu giá, bảo quản, vận chuyển…
Đó là còn chưa kể, do không in cảnh báo sức khỏe, không in nơi sản xuất, không in thời gian sản xuất và không có giấy xác nhận chất lượng, các loại thuốc lá nhập lậu này không đáp ứng điều kiện để được nhập khẩu vào quốc gia khác. Đa phần thuốc lá nhập lậu (VD: thuốc lá JET, HERO hiện chiếm 80%-90% thuốc lá nhập lậu tại Việt Nam) không phù hợp với các nước trong khu vực và hiện chỉ tiêu thụ ở Việt Nam.
Tổng công ty cho rằng, cho phép thí điểm bán đấu giá thuốc lá nhập lậu bị tịch thu để tiêu thụ sẽ tạo kẽ hở pháp luật để các đối tượng lợi dụng, hợp pháp hóa việc đưa sản phẩm này vào tiêu thụ trong nước, vô hiệu hóa công sức chống buôn lậu của các lực lượng chức năng. Tại Quảng Trị, lực lượng chức năng từng đánh dấu một lô thuốc lá lậu trước khi cho tái xuất nhưng chỉ sau một gian ngắn, chính lô thuốc lá ngoại nhập lậu này lại thẩm lậu vào thị trường Việt Nam.
Ngân sách Nhà nước cũng sẽ bị thất thu khoảng 10.000 tỷ đồng mỗi năm và sẽ còn tăng thêm nhiều lần nếu thuốc lá nhập lậu bị tịch thu được bán đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất.
Thuốc lá lậu bị tịch thu không đóng bất kỳ một khoản thuế nào nhưng vẫn được tiêu thụ chỉ thông qua bán đấu giá, trong khi doanh nghiệp sản xuất thuốc lá hợp pháp phải đóng các loại thuế, quỹ bắt buộc ở mức rất cao khiến thị trường cạnh tranh không lành mạnh.
Việc Tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu còn vi phạm quy định Công ước Khung của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về kiểm soát thuốc lá (“FCTC”). Theo quy định, thuốc lá nhập lậu bị tịch thu phải bị tiêu hủy.
Việc tiêu hủy thuốc lá nhập lậu bị tịch thu có tác động rát tích cực đến hiệu quả của công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá. (Ảnh: Vinataba) |
Vinataba cũng nêu hiệu quả của việc tiêu hủy thuốc lá nhập lậu bị tịch thu đối với công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá.
Theo đó, trước khi có các Chỉ thị và Quyết định (đều ban hành năm 2014) về hoạt động này, tình hình buôn lậu thuốc lá luôn ở mức báo động. Doanh nghiệp dẫn số liệu thống kê cho biết, lượng sản phẩm thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam trong ba năm 2012, 2013 và 2014 lần lượt là 20,1 tỷ điếu, 21,3 tỷ điếu và 19,8 tỷ điếu (tương đương với khoảng 1.055 triệu bao, 1.065 triệu bao và 990 triệu bao), chiếm khoảng 20% tổng lượng tiêu thụ sản phẩm thuốc lá tại Việt Nam.
Sau khi các quy định được ban hành, năm 2015 là năm đầu tiên tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu và hỗ trợ kinh phí tiêu hủy. Lượng thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam trong năm 2015 ước tính chỉ vào khoảng 14 tỷ điếu (tương đương khoảng 700 triệu bao), lượng thuốc lá nhập lậu giảm khoảng 30% so với năm 2014…
Theo quy định, thuốc lá được tiêu thụ hợp pháp tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện: - Ghi nhãn bằng tiếng Việt; - In cảnh báo sức khỏe bằng cả chữ và hình ảnh (theo quy định phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính trước và mặt chính sau trên bao, tút, hộp thuốc lá); - Dán tem hoặc in mã số, mã vạch; - Phải được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hợp pháp tại Việt Nam; - Ghi ngày sản xuất, ngày hết hạn sử dụng; - Tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá. |