VinaCapital: NĐT không ‘quăng lưới’ bỏ lỡ đàn cá to, tỉ trọng cổ phiếu niêm yết cao hơn cả khi COVID-19 bùng nổ
NĐT không "quăng lưới" trong tháng 5 bỏ lỡ một "đàn cá" to
Quĩ thành viên của nhóm VinaCapital - VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) vừa công bố báo cáo tháng 5 với tín hiệu khởi sắc. Theo đó, giá trị tài sản ròng (NAV) tính theo USD của quĩ tăng 9,5% so với tháng trước, đạt 697,5 triệu USD.
Lũy kế đến ngày 31/5, hiệu quất đầu tư năm 2020 của quĩ là âm 4,2% trong khi hiệu suất của VN-Index (tính theo USD) là âm 10,5%. Như vậy, quĩ thành viên của VinaCapital đã thoát khỏi tình trạng under-performance như các tháng trước đó.
Nói về thị trường chứng khoán Việt Nam tháng 5, "những nhà đầu tư không "quăng lưới" trong tháng 5 bỏ lỡ một "đàn cá" to trên thị trường trong nước cũng như thế giới", báo cáo của VOF nêu.
Trong tháng 5, VN-Index tiếp tục hồi phục với tỉ lệ tăng 13,1% (tính theo USD). Tổng hợp 5 tháng đầu năm, VN-Index là chỉ số thị trường tốt nhất trong khu vực với tỉ lệ tăng 32,8% so với vùng đáy tháng 3. Các nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục giữ vai trò thúc đẩy dòng tiền, giúp thanh khoản thị trường tăng lên mức cao nhất trong hai năm gần đây.
Cũng trong tháng 5, khối ngoại thu hẹp đà bán ròng và dòng tiền đã tìm đến một số bluechip chất lượng. Kết quả là, hiệu ứng "Sell in May and go away" bị phá vỡ.
Tuy nhiên, theo VinaCaptital, thị trường phải đối mặt với rủi ro tiềm tàng trong tháng 6 như khả năng xuất hiện đợt bùng phát thứ hai của dịch COVID-19 tại Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và những động thái từ FED.
VOF đã cơ cấu danh mục vào các bluechip chất lượng VCB, PHR, VPB và VHM
Chia sẻ sâu hơn về hoạt động đầu tư của quĩ, theo VOF thì giai đoạn vừa qua là quãng thời gian bận rộn khi quĩ "thả lưới". Quĩ đã tận dụng cơ hội để mua vào các cổ phiếu chất lượng cao mà có định giá hấp dẫn so với giai đoạn trước khi dịch COVID-19 bùng nổ.
"Đây không phải là cơ hội giao dịch, đây là cơ hội để phân bổ và xây dựng danh mục chiến lược với các mã còn chiếm tỉ trọng thấp trong danh mục như dịch vụ tài chính, khu công nghiệp", báo cáo của quĩ cho biết.
Một số mã cụ thể được quĩ này nhắc đến là VCB, VPB, PHR và VHM. VCB là cổ phiếu ngân hàng hàng đầu với qui mô vốn hóa lớn nhất thị trường. VPB là tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính tiêu dùng hàng đầu. PHR sẽ được hưởng lợi với quĩ đất lớn và làn sóng đầu tư FDI. Trong khi, VHM là đơn vị phát triển bất động sản hàng đầu tại Việt Nam.
Nhận xét về các cổ phiếu trên, quĩ thành viên của VinaCapital cho rằng đây là các công ty đầu ngành, tình hình tài chính lành mạnh, lượng tiền mặt ổn định.
Nguồn: VOF
Với góc nhìn tích cực về các mã trên, VOF cho biết đã dùng tiền thu được từ bán các cổ phiếu với tỉ trọng nhỏ để mua vào.
Tỉ trọng cổ phiếu niêm yết cao nhất trong 5 tháng đầu năm
Mặc dù phân bổ danh mục vào các bluechip vừa nêu, các mã này vẫn nằm ngoài Top10 cổ phiếu có tỉ trọng lớn nhất trong danh mục. Cổ phiếu HPG của Hòa Phát đang chiếm chỉ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư với 13,7%, theo sau đó là KDH (8%), ACV (6,5%).
Tổng hợp Top10 cổ phiếu có tỉ trọng lớn nhất của VOF chiếm 55,3% tổng giá trị danh mục.
Xét trên tổng quan danh mục, cổ phiếu niêm yết chiếm 60,2% NAV của quĩ VOF tính đến cuối tháng 5. Đây là tỉ trọng cao nhất của quĩ này kể từ đầu năm nay, trong khi tháng trước đó là 57,6%.
Nguồn: VOF
Mặc dù thông báo đã giải ngân vào một số bluechip chất lượng, tỉ trọng và giá trị tiền mặt trong danh mục của VOF đều tăng so với tháng trước. Cuối tháng 4, tỉ trọng tiền mặt của quĩ là 4,4%, tương đương 27,5 triệu USD. Tỉ trọng tiền mặt tính đến ngày 31/5 là 5,6%, tương đương 39,1 triệu USD.
Bên cạnh hoạt động cơ cấu danh mục cổ phiếu, VOF cho biết gần đây triển khai khoản đầu tư 15 triệu USD cho một công ty tư nhân với lợi nhuận tiềm năng là 18% trong 12 tháng. Bên cạnh đó, quĩ này cho biết đang trong giai đoạn cuối cùng để đóng khoản đầu tư 22 triệu USD vào công ty trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.