|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Giám đốc Đầu tư VinaCapital: Chứng khoán Việt Nam hưởng lợi khi đồng USD yếu và lãi suất thấp

08:14 | 16/06/2020
Chia sẻ
Theo Giám đốc Đầu tư của VinaCapital, TTCK Việt Nam đang có những cơ hội từ những yếu tố như dự báo tăng trưởng lợi nhuận, kì vọng về dòng vốn ngoại, định giá và xu hướng lãi suất thấp.

TTCK Việt Nam đang định giá rẻ, tăng trưởng lợi nhuận cao trong 2021 - 2022

Giám đốc Đầu tư VinaCapital: Chứng khoán Việt Nam hưởng lợi khi đồng USD yếu và lãi suất thấp - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Hoài Thu. Ảnh: VinaCapital

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa có hơn 2 tháng hồi phục mạnh sau khi giảm sâu do tác động của dịch COVID-19. Đánh giá thị trường thời điểm hiện tại, bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc Khối Đầu tư, Chứng khoán đại chúng và Trái phiếu của VinaCapital cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang định giá rẻ hơn so với các thị trường khác.

Cụ thể, P/E của TTCK Việt Nam là 14,3 lần, trong khi Thái Lan (18,5 lần), Malaysia (17,8 lần).

Về mức tăng trưởng lợi nhuận Việt Nam cũng có lợi thế hơn. Trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hầu hết các nước trong khu vực ASEAN đều có tăng trưởng lợi nhuận âm.

Đơn cử, dự báo thị trường Singapore có mức tăng trưởng lợi nhuận âm lên đến 27,3% so với năm trước. Ngoài ra, Thái Lan, Malaysia hay Philippines đều có tăng trưởng lợi nhuận âm lớn hơn Việt Nam đáng kể.

Giám đốc Đầu tư VinaCapital: Chứng khoán Việt Nam hưởng lợi khi đồng USD yếu và lãi suất thấp - Ảnh 2.

Nguồn: VinaCapital

Theo dự báo của Bloomberg, tăng trưởng lợi nhuận của TTCK Việt Nam năm 2020 là âm 7,1%. Tuy nhiên, sang năm 2021, lợi nhuận của TTCK cao hơn hẳn so với các nước khác trong khu vực ở mức 24,5%. Năm 2022 thì tăng trưởng lợi nhuận vẫn ở mức cao nhất so với các nước khác trong khu vực ở mức 17,5%.

"Nếu chúng ta nhìn vào định giá rẻ hơn, tăng trưởng tốt hơn cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam tương đối hấp dẫn, ít nhất là hấp dẫn hơn so với các thị trường khác trong khu vực", bà Nguyễn Hoài Thu đánh giá.

Về dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài, nếu so giá trị rút ròng với quy mô vốn hóa thì TTCK Việt Nam đang bị rút vốn nhẹ hơn so với các quốc gia khác trong khu vực.

Bên cạnh đó, mức rút ròng trong tháng 5 của khối ngoại thấp hơn so với tháng 3 và tháng 4, và khối này đã mua ròng trở lại trong tháng 6. Điều này cho thấy TTCK Việt Nam tương đối hấp dẫn hơn so với các thị trường khác trong khu vực ASEAN.

Dấu hiệu để nhà đầu tư mua vào

Trở lại định giá của thị trường, mức P/E của TTCK Việt Nam đang thấp hơn trung bình 5 năm. Tại đây, thị trường đưa ra dấu hiệu để nhà đầu tư mua vào. Như chúng ta đã thấy thì NĐT trong nước đã mua vào mạnh trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua.

Giám đốc Đầu tư VinaCapital: Chứng khoán Việt Nam hưởng lợi khi đồng USD yếu và lãi suất thấp - Ảnh 3.

Nguồn: VinaCapital

Về khía cạnh vĩ mô, TTCK Việt Nam đang được hỗ trợ bởi việc đồng USD yếu đi và lãi suất thấp. Về tỉ giá, đồng USD yếu đi thì NĐT sẽ luân chuyển dòng vốn từ Mỹ, châu Âu về các thị trường mới nổi để đạt được các lợi nhuận cao hơn.

Ngoài ra, lãi suất của Việt Nam đang trên đà giảm đi, tác động tích cực cho định giá của chứng khoán. Lãi suất và định giá của chứng khoán luôn có tương quan nghịch với nhau. Có nghĩa là lãi suất giảm thì TTCK có đà tăng.

Lý do ở đây là khi lãi suất giảm thì chi phí vay tiền của doanh nghiệp giảm đi. Do đó, những doanh nghiệp cần vay vốn để kinh doanh, mở rộng sản xuất sẽ có nhiều lợi nhuận hơn.

Những cơ hội cho TTCK Việt Nam

Tựu chung lại, Giám đốc Khối đầu tư VinaCapital đưa ra một số cơ hội của TTCK Việt Nam:

Thứ nhất, TTCK Việt Nam có tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn so với một số thị trường khác trong khu vực.

Thứ hai, kì vọng về dòng vốn ngoại tích cực nhờ nền kinh tế tăng trưởng cao và ổn định. Trong vòng 2 – 3 năm tới, Việt Nam có khả năng nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Thứ ba, xu hướng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc có tác động đến Việt Nam bởi vì Việt Nam được đánh giá hưởng lợi nhiều nhất từ xu thế này.

Thứ tư, định giá hiện tại đang thấp hơn nhiều so với trung bình 5 năm trước.

Thứ năm, đồng USD dự báo yếu đi trong thời gian tới, nhà đầu tư ngoại sẽ quay trở lại TTCK Việt Nam cũng như thị trường mới nổi khác.

Thứ sáu, lãi suất thấp sẽ làm tăng định giá chứng khoán.

Tuy nhiên, cùng với cơ hội thì TTCK Việt Nam cũng có rủi ro khi dịch COVID-19 có thể xuất hiện đợt dịch thứ hai, thứ ba khi vắc xin chưa có. Ngoài ra, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể tác động đến kinh tế toàn cầu.

Lợi Hoàng