VinaCapital: Giá cổ phiếu ở mức hợp lý, thị trường tiếp tục hồi phục như cuối tháng 7
Trước đó, thị trường chịu áp lực điều chỉnh trong tháng 7. Sau khi tăng 5 tháng liên tục và lập đỉnh lịch sử mới, VN Index giảm 7% trong tháng 7 do số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt ở nhiều địa phương, nhất là ở TP Hồ Chí Minh. Tính từ đầu năm, VN-Index tăng 18,7%.
Diễn biến theo từng nhóm ngành, sau khi tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, hầu hết cổ phiếu ngân hàng giảm trong tháng 7, khiến ngành tài chính giảm 9,9% trong tháng. Ngành bất động sản giảm 9,1% do nhóm công ty thuộc Vingroup. Ở chiều ngược lại, ngành công nghệ thông tin và hàng tiêu dùng không thiết yếu tăng 7,6% và 2,8%, nhờ FPT và MWG.
Song, thị trường có những dấu hiệu tích cực vào cuối tháng 7. VN-Index phục hồi trong 10 ngày cuối tháng, tăng từ 1.244 điểm (ngày 19/7) lên 1.310 điểm (ngày 30/7). VinaCapital cho rằng việc phục hồi này là do kỳ vọng vào việc kiểm soát được dịch bệnh và chiến dịch tiêm chủng đang diễn ra.
Ngoài ra, kết quả kinh doanh quý II cũng mang đến tâm lý tích cực. Lợi nhuận của các công ty niêm yết trên HOSE trong quý II và 6 tháng đầu năm tăng lần lượt 57% và 63% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với đó là tín hiệu tích cực của dòng vốn ngoại đổ vào thị trường. Sau khi liên tiếp bán trong nhiều tháng, khối ngoại đã trở lại mua ròng 5,4 nghìn tỷ đồng trong tháng 7, mức cao nhất kể từ tháng 6/2020. Trong đó, quỹ ETF Fubon FTSE Vietnam mua 4.000 tỷ đồng.
"Các nhà đầu tư Đài Loan dường như rất tin tưởng vào khả năng tăng dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam", báo cáo của VinaCapital nêu.
Tuy nhiên, theo chuyên gia VinaCapital, đợt điều chỉnh vừa qua đưa thị trường về mức định giá hợp lý để đầu tư. Cụ thể, P/E năm 2021 của VN-Index là 15,2 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm khoảng 1 độ lệch tiêu chuẩn, theo số liệu từ Bloomberg.
Theo nhận định của chuyên gia VinaCapital, việc tiêm vắc xin đã tăng tốc từ giữa tháng 7. Nhờ việc tiêm chủng đang tăng tốc, nền kinh tế sẽ được mở cửa lại dần dần. Với giá cổ phiếu đang ở mức hợp lý, kỳ vọng thị trường sẽ vẫn tiếp tục đà phục hồi, như đã thấy từ cuối tháng 7.
Nói thêm về tình hình vĩ mô của Việt Nam trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4. Đợt bùng phát dịch COVID-19 đã khiến gần nửa số tỉnh thành trong nước, bao gồm cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, áp dụng quy định rất nghiêm ngặt về giãn cách xã hội. Trong tình hình đó, các số liệu kinh tế vĩ mô đã suy giảm trong tháng 7.
Tổng giá trị bán lẻ giảm 8,3% so với tháng 6 và 19,8% so với tháng 7/2020. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,2% so với tháng 7/2020, kéo tăng trưởng 7 tháng đầu năm xuống còn 7,9%. Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) tăng nhẹ lên 45,1 trong tháng 7 từ 44,1 trong tháng 6 (mức thấp nhất trong 13 tháng), ghi nhận lĩnh vực sản xuất suy giảm 2 tháng liên tiếp.