Dòng tiền thông minh 16/8: NĐT cá nhân tiếp đà mua ròng gần 1.200 tỷ đồng, tập trung rót tiền nhóm chứng khoán
VN-Index trải qua nhịp giảm điểm khá mạnh trong phiên trước khi hồi phục tích cực và lấy lại sắc xanh về cuối phiên. Vùng hỗ trợ quanh 1.340 đã cho phản ứng với sự hình thành của mẫu nến Hammer đảo chiều giúp trạng thái thị trường trở nên cân bằng hơn.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (13/8), VN-Index tăng 1,37% đóng cửa ở mức 1.359,86 điểm. Dòng tiền đầu tư quay trở lại thị trường khi có 8/19 nhóm ngành tăng điểm. Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm chứng khoán và xây dựng & vật liệu trong khi vẫn ở mức yếu với nhóm ngân hàng.
Giá trị giao dịch trên toàn thị trường đạt 30,621.0 tỷ đồng, tăng 11% so với phiên liền trước. Trong đó, giá trị giao dịch trên sàn HOSE là 24.501 tỷ đồng.
Trong phiên VN-Index ngược dòng thành công, vị thế của các bên tham gia giao dịch giữ nguyên so với phiên trước. NĐT cá nhân vẫn là bên duy nhất xuống tiền nâng đỡ thị trường bất chấp áp lực xả của khối tự doanh, tổ chức trong nước và khối ngoại.
Tự doanh bán ròng hơn trăm tỷ qua kênh khớp lệnh
Trong phiên thứ Sáu cuối tuần (15/8), khối tự doanh công ty chứng khoán bán ròng 9,2 tỷ đồng. Tính riêng khớp lệnh thì họ bán ròng 102,8 tỷ đồng.
Tự doanh mua ròng 6/18 ngành. Nhóm mua ròng mạnh nhất là thực phẩm và đồ uống, tài nguyên cơ bản. Top cổ phiếu được khối tự doanh rót tiền trong phiên gồm VNM, STB, HPG, MSN, HSG, VCB, VIC, GEX, BWE, NVL.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu ngành ngân hàng chịu áp lực bán lớn nhất từ khối tự doanh. Top cổ phiếu được bán ròng gồm VHM, VPB, DIG, MWG, FPT, PNJ, GMD, REE, ELC, NLG.
Tổ chức trong nước giữ vị thế bán ròng, tập trung nhóm bất động sản
Giao dịch cùng chiều với khối tự doanh, NĐT tổ chức trong nước duy trì bán ròng 348,3 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ rút ròng 299,8 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, nhà đầu tư tổ chức trong nước bán ròng 10/18 ngành, chủ yếu thoái vốn khỏi nhóm bất động sản. Top bán ròng có SSB, DPM, IJC, VHM, ACB, VPB, FLC, FCN, HAH, PVT.
Trong khi đó, dòng vốn từ tổ chức nội chủ yếu đổ vào nhóm thực phẩm và đồ uống. Top mua ròng có MSN, TCB, LPB, DXG, SSI, BID, VCI, DGW, TNH, PC1.
Cá nhân trong nước tiếp tục mua ròng gần 1.200 tỷ đồng
Thống kê giao dịch của NĐT cá nhân, họ mua ròng 1.176,1 tỷ đồng, trong đó gom ròng 1.056,5 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, họ mua ròng 13/18 ngành, chủ yếu giải ngân vào nhóm dịch vụ tài chính (chứng khoán). Top mua ròng của NĐT cá nhân gồm SSI, VHM, VIC, DPM, VPB, NLG, VRE, SSB, PVT, IJC.
Bên phía bán ròng khớp lệnh, họ rút ròng 5/18 ngành chủ yếu là ngành dầu khí, thực phẩm và đồ uống. Top bán ròng có PLX, MBB, VNM, STB, GMD, VCB, KDH, DCM, TCB.
Khối ngoại bán ròng phiên thứ ba liên tiếp, tập trung xả SSI và 'họ Vingroup'
Về phía NĐT nước ngoài, nhóm này tiếp tục xu hướng bán ròng với quy mô 804,5 tỷ đồng. Tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ bán ròng 654 tỷ đồng.
Diễn biến theo nhóm ngành, áp lực chốt lời của khối ngoại chủ yếu là nhóm dịch vụ tài chính và bất động sản. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm SSI, VIC, VHM, VRE, MSN, DPM, NVL, CTG, HPG.
Đây cũng là phiên thứ 4 liên tiếp nước ngoài bán ròng SSI, đưa tổng bán ròng SSI trong tuần lên 970 tỷ đồng, lớn hơn giá trị mua ròng của hai tuần trước đó cộng lại và làm thay đổi vị thế của nhóm này với SSI thành bán ròng 140 tỷ đồng tính từ đầu năm đến nay.
NĐT ngoại cũng tiếp tục bán bộ ba cổ phiếu 'họ Vingroup', dẫn đến vị thế bán ròng 2.345 tỷ đồng VIC và 253 tỷ đồng VRE từ đầu năm đến nay nhưng vẫn mua ròng 5.801 tỷ đồng VHM.
Thông tin công bố mới đây, Vinhomes vừa công bố bán xong 60 triệu cổ phiếu quỹ thu về 6.500 tỷ đồng, và có kế hoạch phát hành trái phiếu trị giá 6.500 tỷ đồng.
Mua ròng khớp lệnh chính của nước ngoài là nhóm ngân hàng, dầu khí. Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã PLX, MBB, STB, GMD, VCB, VNM, KBC, KDH, DCM, FRT. Theo quan sát, PLX vẫn là câu chuyện mua cổ phiếu quỹ của nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản, trong khi MBB và STB vẫn duy trì xu hướng mua ròng.