Viettel muốn sản xuất chip giữa lúc ngành chip toàn cầu căng thẳng
Đề xuất tại buổi gặp gỡ với Thủ tướng Chính phủ sáng 16/8, lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho đơn vị này được tham gia nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip phục vụ nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu.
Đề xuất của Viettel được đưa trong bối cảnh tình trạng thiếu chip trên toàn cầu thời gian qua ảnh hưởng trầm trọng tới nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Nhiều quốc gia trên thế giới hiện cũng đã thúc đẩy sản xuất chip vì an ninh quốc gia.
Hiện tại, không nhiều tập đoàn trên thế giới tham gia vào ngành công nghiệp sản xuất chip. Hiện 3 nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới gồm: TSMC, Samsung và Intel. Sự gia tăng các thiết bị điện tử và ngành công nghiệp ô tô phát triển cùng với đại dịch COVID-19 là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thiếu hụt chip.
Do đó, nếu Việt Nam chủ động được công nghệ sản xuất chip sẽ đảm bảo phục vụ nhu cầu nội địa cũng như xuất khẩu.
Bên cạnh việc sản xuất chip, Viettel cũng kiến nghị Chính phủ giao một số nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng an ninh, phát huy thế mạnh và thể hiện vai trò tiên phong của doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, an toàn, an ninh mạng. Cũng như, xây dựng và triển khai nền tảng chuyển đổi số quốc gia, trung gian thanh toán chuyển mạch và bù trừ điện tử.
Viettel cũng mong muốn được nghiên cứu công nghệ năng lượng xanh, hiện đại hóa các cở sở hạ tầng quan trọng như giao thông vận tải, logistics, đô thị, khoa học công nghệ…
Đồng thời, đề xuất Chính phủ tăng tính chủ động cho doanh nghiệp nhà nước trong công tác đầu tư, tiền lương và tổ chức, sắp xếp lại đơn vị nội bộ; bổ sung mới hành lang pháp lý mới cho các doanh nghiệp nhà nước.
Trong đó có đề xuất Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu cơ chế để thực hiện đánh giá trên nguyên tắc đánh giá hiệu quả đầu tư trên tổng thể thay cho việc đánh giá dựa trên các khoản mục, dự án đầu tư riêng lẻ và cơ chế thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm cho hoạt động đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Trước đề xuất của Viettel, Thủ tướng chỉ đạo những nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách và trách nhiệm của các bộ, ngành địa phương, giao các đồng chí Bộ trưởng, trưởng ngành chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất, giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Những vấn đề vượt thẩm quyền Thủ tướng yêu cầu báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh của Viettel, Đại tá Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel cho biết, sau hơn 30 năm hình thành và phát triển, đến nay Viettel đã trở thành Tập đoàn kinh tế Nhà nước hàng đầu tại Việt Nam với ngành nghề kinh doanh chính gồm: Viễn thông; giải pháp công nghệ thông tin (CNTT) và dịch vụ số; nghiên cứu sản xuất công nghệ cao; thương mại điện tử & logistics.
Viettel là doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong thực thi chiến lược quốc gia về lĩnh vực viễn thông-CNTT và công nghiệp quốc phòng công nghệ cao. Luôn là doanh nghiệp hiệu quả nhất, lợi nhuận trước thuế các năm gần đây của Viettel luôn duy trì trên 40.000 tỷ/năm, tỷ suất lợi nhuận trước thuế/doanh thu luôn duy trì trên 25%.
Hai năm liên tiếp (2020, 2021), Viettel là doanh nghiệp Việt Nam có sức ảnh hưởng nhất về đổi mới sáng tạo khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Viettel đồng thời là thương hiệu viễn thông giá trị nhất Việt Nam, đứng số 1 tại Đông Nam Á, đứng thứ 10 châu Á và thứ 18 trong số các nhà mạng có giá trị lớn nhất thế giới năm 2022. Viettel trở thành hình mẫu của một doanh nghiệp nhà nước kinh doanh sáng tạo và có hiệu quả.