Vietnam Beverage nắm cổ phần chi phối, 'ghế nóng' Sabeco có đổi chủ?
Vietnam Beverage chính thức chi 109.953 tỷ đồng ôm trọn hơn 53% vốn Sabeco | |
Vì sao chỉ có Thai Bev 'chịu chơi' mua cổ phần Sabeco? | |
Thoái vốn Sabeco: Mũi tên trúng hai đích |
Thay thế Chủ tịch hay Tổng Giám đốc Sabeco sẽ theo Luật Doanh nghiệp
Ông Trương Thanh Hoài - Cục Trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương cho biết, với 109.972 tỷ đồng thu về từ bán 53,59% vốn tại Sabeco, việc sử dụng sẽ theo chủ trương của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Luật Ngân sách.
Sau buổi đấu giá ngày hôm nay (18/12), Bộ Công sẽ có báo cáo kết quả lên Chính phủ, sau đó Chính phủ sẽ xem xét liệu có bán thêm vốn Sabeco nữa hay không. Trên những nguyên tắc đã khẳng định trước đó, ông Hoài cho hay, nhà đầu tư tham gia vào Sabeco phải giữ gìn, phát triển thương hiệu bia Việt Nam.
Ông Trương Thanh Hoài - Cục Trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương cho biết |
Bia và sữa là hai ngành Chính phủ sẽ không nắm cổ phần chi phối, theo đó, Chính phủ mong muốn nhà đầu tư mới tham gia vào sẽ phối hợp với các bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco, cải thiện và nâng cấp hệ thống quản trị.
Vietnam Beverage nắm cổ phần chi phối trên 53% vốn Sabeco, ông Hoài cho hay, việc thay thế Chủ tịch hay Tổng Giám đốc Sabeco sẽ thực hiện theo Luật Doanh nghiệp và thông qua đại hội đồng cổ đông để bổ nhiệm các chức danh này.
“Vietnam Beverage là doanh nghiệp Việt Nam theo Giấy phép kinh doanh”
Trước câu hỏi liệu Bộ Công thương có biết ai đứng đằng sau Vietnam Beverage, ông Hoài cho biết chứng minh pháp nhân của doanh nghiệp thể hiện ở Giấy phép đăng ký kinh doanh. Hiện nay, Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng nên phải tuân theo các thông lệ quốc tế, tức phải dựa vào những gì thể hiện ở Giấy phép đăng ký kinh doanh để xác định nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài.
Theo đó, ông Hoài khẳng định: “Vietnam Beverage là doanh nghiệp Việt Nam, được thành lập đúng với quy định của pháp luật Việt Nam”.
Vietnam Beverage do một pháp nhân nước ngoài sở hữu 49%, theo quy định hiện nay những doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu nước ngoài 49% đương nhiên là doanh nghiệp Việt Nam. Nếu Công ty đó góp vốn hoặc thành lập công ty khác thì vẫn là doanh nghiệp Việt Nam, điều này phù hợp với các cam kết quốc tế cũng như pháp luật Việt Nam hiện hành, ông Hoài cho biết thêm.
Ông Hoài cũng khẳng định: “Về quy chế, tất cả cơ hội cho nhà đầu tư mua cổ phần Sabeco là ngang bằng nhau, không có bất kỳ hạn chế gì. Bản thân Sabeco là doanh nghiệp đã niêm yết nên mọi thông tin kinh doanh đều minh bạch, công khai trên sàn”.
Đánh giá về cách nhìn nhận của các nhà đầu tư, ông Hoài cho rằng, có nhà đầu tư thấy Sabeco phù hợp triết lý kinh doanh của họ và có thể khai thác tiềm năng; song cũng có những nhà đầu tư thấy không phù hợp, không thể sinh lời cho đồng vốn bỏ ra nên họ không tham gia.
Đấu giá Sabeco rất thành công!
Đại diện Bộ Công thương đánh giá cuộc đấu giá này rất thành công, bởi mức giá đấu cao hơn thị giá hiện tại của Sabeco trên sàn chứng khoán (309.200 đồng/cp) cũng như giá bình quân 60 phiên gần nhất ngày đấu giá.
Mặt khác, đây là lần đầu Nhà nước thực hiện đấu giá có bảo lãnh, không cần ký quỹ, đặt cọc bằng tiền mặt. Vì là một thương vụ rất lớn, hình thức bảo lãnh nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, thời gian đăng ký và rút cọc trong quá trình chào bán cạnh tranh được Bộ Công thương mở đến 16h chiều ngày 17/12, tức hệ thống Vietcombank vẫn phải làm việc cả ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Điều này thể hiện Bộ Công thương tạo mọi điều kiện để mọi nhà đầu tư tham gia được cuộc đấu giá này, ông Hoài chia sẻ.