Vietnam Airlines trả phí 2,3 – 2,5%/năm cho khoản vay ưu đãi 4.000 tỷ đồng
Ngày 7/7/2021, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã: HVN) đã ký kết hợp đồng tín dụng với ba nhà băng là Ngân Hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank - Mã: SSB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (Mã: SHB), và Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Mã: MSB) với tổng số tiền cho vay ngắn hạn là 4.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính được Vietnam Airlines công bố mới đây, ba ngân hàng đã giải ngân toàn bộ hạn mức tín dụng trong năm 2021.
Vietnam Airlines đã bảo đảm cho các khoản vay nói trên bằng nhiều tài sản gồm hai tày bay cánh quạt ATR, 11 tàu phản lực thân hẹp A321, hai động cơ Boeing B787, và cổ phiếu mà Vietnam Airlines sở hữu tại các công ty con/công ty liên kết đang giao dịch ở sàn HOSE, HNX và thị trường UPCoM.
- TIN LIÊN QUAN
-
Vietnam Airlines sẽ làm gì với gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng? 16/07/2021 - 10:47
Lãi suất của khoản vay ưu đãi 4.000 tỷ đồng này là 0%, nhưng phí quản lý hàng năm là từ 2,3% đến 2,5%. Chủ trương hỗ trợ thanh khoản cho Vietnam Airlines bằng khoản vay ưu đãi lãi suất đã được Quốc hội và Chính phủ thông qua, sau đó được Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn chi tiết trong Thông tư số 04 ngày 5/4/2021.
Nhìn chung, chi phí đi vay ưu đãi của Vietnam Airlines thấp hơn nhiều so với mặt bằng lãi suất ngắn hạn trên thị trường, thường lên tới 7 – 8% mỗi năm.
Cũng trong năm 2021, Vietnam Airlines có nhiều khoản vay dài hạn với lãi suất dao động từ 7% đến 9,8%/năm với VND, và từ 2,87% đến 4,53%/năm đối với USD.
Trong tổng số 8.306 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn của Vietnam Airlines tại ngày cuối năm ngoái, các khoản vay bằng USD chiếm đại đa số với giá trị 7.050 tỷ đồng, vay bằng VND chỉ chiếm 15%.
Đi vay bằng USD giúp Vietnam Airlines hưởng lãi suất thấp hơn, nhưng đồng thời tiềm ẩn rủi ro về tỷ giá. Nếu USD bất ngờ mạnh lên, nghĩa vụ nợ của tổng công ty sẽ tăng.
Thực tế trong năm 2021, chi phí lãi vay của Vietnam Airlines là 807 tỷ đồng, giảm gần 13% so với năm trước. Lãi chênh lệch tỷ giá tăng 33,4% lên 726 tỷ đồng trong khi lỗ chênh lệch tỷ giá giảm gần 2/3, chỉ còn 173,5 tỷ đồng. Thống kê sau đây cho thấy cả chi phí lãi vay lẫn tổng chi phí tài chính của Vietnam Airlines trong năm 2021 đều giảm mạnh so với các năm trước.
Tại ngày cuối năm, chủ nợ lớn nhất của Vietnam Airlines là Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank – Mã: VCB) với tổng dư nợ (vay ngắn hạn cũng như vay dài hạn) là 7.010 tỷ đồng. Phó Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng từng là thành viên Ban Kiểm soát của Vietnam Airlines từ ngày 14/7 đến 14/12/2021. Vietcombank cũng đang sở hữu hơn 23 triệu cổ phiếu HVN.
Các chủ nợ lớn tiếp theo là Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Mã: MSB) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – Mã: BID), như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – Mã: TPB) và Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam (VBSP) cũng cho Vietnam Airlines vay nhưng dư nợ khá thấp.
Bán bớt tàu bay, thoái vốn công ty con
Ngoài các loại ATR 72, Airbus A321 và Boeing B787 được dùng để bảo đảm cho khoản vay 4.000 tỷ, đội bay của Vietnam Airlines còn có tàu bay thân rộng Airbus A350. Thống kê dưới đây cho thấy tổng công ty đang khai thác tổng cộng 105 chiếc với tuổi đời trung bình từ 2,3 đến 12,2 năm.
Boeing B787-10 là dòng tàu bay lớn nhất, hiện đại nhất và có tuổi trung bình trẻ nhất của Vietnam Airlines.
Vào ngày đầu năm 2021, Vietnam Airlines có 51 tàu bay Airbus A321 CEO. Trong tháng 12, tổng công ty đã bàn giao hai chiếc được bán cho đối tác, còn lại 49 chiếc. Vì vậy, tổng quy mô đội bay giảm từ 107 tàu vào ngày 1/1 xuống còn 105 tàu vào ngày 31/12/2021.
Vietnam Airlines có chủ trương bán bớt 11 chiếc A321 CEO. Sau khi thanh lý hai chiếc nói trên, trong năm nay, công ty dự kiến sẽ tiếp tục bán thêm 9 chiếc. Ngoài ra, Tổng công ty đã thông qua chủ trương bán 6 tàu bay cánh quạt ATR72.
Như biểu đồ bên trên cho thấy A321 CEO và ATR72 là những dòng tàu bay cũ, có tuổi đời cao nhất trong đội bay của Vietnam Airlines. A321 CEO đang dần được các hãng hàng không trên thế giới thay thế bằng A321 NEO – là phiên bản hiện đại hơn, ít tiếng ồn hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn 17% so với dòng CEO.
ATR72 cũng đang được thay thế bằng các loại tàu bay phản lực khu vực (RJ) như Embraer E190, E195 hay mới hơn là A220. Đây đều là những loại tàu bay có tốc độ cao hơn, vận hành êm ái hơn, tầm bay xa hơn và có số ghế lớn hơn ATR72 khoảng 50%.
Tại ngày cuối năm 2021, Vietnam Airlines có 15 công ty con và 4 công ty liên kết, giảm một công ty liên kết so với ngày cuối năm 2020. Nguyên nhân là công ty đã thoái 35% vốn khỏi hãng hàng không quốc gia Cambodia Angkor Air của Campuchia (K6), thu về 35 triệu USD.
Kết phiên 3/6, giá cổ phiếu HVN dừng ở 18.050 đồng/cp, giảm 22% so với ngày đầu năm 2022.