Các hãng hàng không lên lịch khôi phục mạng bay quốc tế
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã: HVN) cho biết việc nối lại các đường bay sẽ được thực hiện trong hai giai đoạn và phụ thuộc vào việc phê duyệt, triển khai của cơ quan chức năng.
Giai đoạn 1 dự kiến bắt đầu từ 1/1/2022, Vietnam Airlines lên kế hoạch khai thác các chuyến bay hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan, Lào, Campuchia. Giai đoạn này dự kiến chỉ thực hiện trong khoảng hai tuần. Vietnam Airlines sẽ mở bán vé sau khi có phê duyệt của nhà chức trách.
Giai đoạn 2, Vietnam Airlines dự định khôi phục thêm các đường bay hai chiều giữa Việt Nam và Anh, Pháp, Đức, Nga, Australia, Hong Kong (Trung Quốc), Malaysia.
Tần suất khai thác sẽ tuân theo phương án phân bổ của Cục Hàng không Việt Nam. Trong giai đoạn 1, mỗi chặng bay dự kiến từ 1-4 chuyến/tuần và sẽ tăng dần dựa trên nhu cầu khai thác thực tế và yêu cầu phòng chống dịch bệnh. Trong đó, số lượng chuyến bay tập trung trên các đường bay có nhu cầu lớn như Đông Bắc Á, Đông Nam Á.
Các chặng bay đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Nga, Australia, Mỹ dự kiến sẽ được Vietnam Airlines khai thác bằng các dòng tàu bay thân rộng lớn nhất của hãng là Boeing 787 hoặc Airbus A350.
Vietjet Air dự kiến sẽ khai thác các đường bay kết nối Hà Nội, TP HCM với Tokyo (Narita, Nhật Bản), Seoul (Incheon, Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), Singapore, Bangkok (Thái Lan) ngay từ đầu tháng 1/2022.
Trong giai đoạn 1 dự kiến bắt đầu từ 1/1/2022, các chặng bay sẽ được khai thác từ một chuyến khứ hồi/tuần và tăng lên theo nhu cầu của người dân, du khách và sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhằm đảm bảo khai thác an toàn, phòng chống dịch bệnh hiệu quả.
Giai đoạn tiếp theo, Vietjet dự kiến sẽ mở lại toàn bộ các đường bay quốc tế mà hãng đã khai thác trước đây đến các quốc gia khác trong khu vực cũng như xa hơn đến Ấn Độ, Nga ...
Vietjet cho biết hãng đã chuẩn bị tàu bay Airbus A321 và A330 để phục vụ cho mạng bay quốc tế.
Bamboo Airways cho biết trong giai đoạn 1, hãng dự kiến khai thác các đường bay Hà Nội – Narita (Tokyo, Nhật Bản), Hà Nội – Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), Hà Nội – Seoul (Hàn Quốc) với tần suất một chuyến khứ hồi/chặng/tuần.
Ở giai đoạn 2, Bamboo Airways sẽ khai thác tuyến bay thẳng Hà Nội/TP Hồ Chí Minh - Hong Kong với tần suất dự kiến 7 chuyến khứ hồi/tuần, Hà Nội/TP HCM – Frankfurt Đức hai chuyến khứ hồi/tuần, Hà Nội/TP HCM – Munich (Đức) một chuyến khứ hồi/tuần, TP HCM – Melbourne (Australia) hai chuyến khứ hồi/tuần.
Tổng Giám đốc Bamboo Airways Đặng Tất Thắng nói: "Chúng tôi đánh giá thị trường hàng không đang chuẩn bị khôi phục mạnh mẽ. Trước bối cảnh lạc quan đó, Bamboo Airways dự kiến mở rộng quy mô mạng bay quốc tế lên 40 đường trong năm 2022".
Theo tin từ Báo Giao thông, sáng 23/12, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn vừa có buổi làm việc với cơ quan đại diện ngoại giao một số nước như Nhật Bản, Singapore, … để trao đổi về các biện pháp thúc đẩy kế hoạch khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách giữa Việt Nam với các nước và vùng lãnh thổ.
Đại diện Đại sứ quán các nước cho biết, hiện nay các nước đều đã thực hiện chính sách mở cửa, nối lại các chuyến bay quốc tế để khôi phục kinh tế và bày tỏ mong muốn các cơ quan có thẩm quyền của phía Việt Nam xem xét tạo thuận lợi hơn nữa về thủ tục xuất nhập cảnh, thị thực đối với người nhập cảnh như trước khi dịch COVID-19 bùng phát.
Các nước cũng muốn Việt Nam sớm miễn cách ly đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc xin phòng chống COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh và có xét nghiệm RT-PCR âm tính.
Chuyên gia hàng không, PGS. TS Nguyễn Thiện Tống cũng cho rằng Việt Nam nên bỏ hoàn toàn quy định cách ly và chuyển sang yêu cầu chứng nhận đã tiêm vắc xin và xét nghiệm âm tính.