|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khẩn trương khôi phục đường bay quốc tế

21:43 | 22/12/2021
Chia sẻ
Trước việc còn khoảng 1 tuần là tới thời gian bắt đầu thí điểm mở lại đường bay quốc tế nhưng vẫn chưa có đủ hướng dẫn, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu các bộ, ngành liên quan khẩn trương thực hiện nhiệm vụ để khôi phục lại các chuyến bay thương mại quốc tế.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh liên quan đến kế hoạch mở lại đường bay thương mại quốc tế kể từ ngày 1/1/2022.

Tuy nhiên, theo phản ánh trên báo chí, thời điểm từ nay đến thời gian bắt đầu thí điểm chỉ còn khoảng 1 tuần nhưng chưa có đủ hướng dẫn của các bộ liên quan. 

Vì vậy, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được giao để sớm khôi phục lại các chuyến bay thương mại quốc tế.

Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương mở lại đường bay quốc tế - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương mở lại đường bay quốc tế. (Ảnh: TTXVN).

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhận định chủ trương khôi phục đường bay quốc tế nhằm thực hiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đồng thời, khôi phục hoạt động vận tải hành khách quốc tế và thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, du lịch nói chung, không để Việt Nam tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực.

Việc này cũng đồng thời tạo điều kiện cho bà con Việt Nam về quê hương khi Tết Nhâm Dần 2022 sắp đến. Song việc mở lại các chuyến bay quốc tế là cần thiết nhưng vẫn phải đảm bảo kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách sẽ được áp dụng với các địa bàn có hệ số an toàn cao, trước mắt là Bắc Kinh, Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia), San Francisco, Los Angeles (Hoa Kỳ), Singapore. Thời gian thí điểm bắt đầu từ ngày 1/1/2022.

Việc mở lại đường bay được thực hiện trên cơ sở có hướng dẫn của Bộ Y tế về các biện pháp y tế phòng dịch đối với người nhập cảnh, đảm bảo an toàn, hiệu quả và thông suốt.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông thống nhất ngay và công bố một phần mềm khai báo y tế áp dụng chung đối với đi lại bằng đường hàng không, để tạo thuận lợi cho việc khai báo của hành khách, hoạt động của doanh nghiệp hàng không cũng như công tác theo dõi y tế, kiểm soát, truy vết người nhập cảnh.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các Bộ: Ngoại giao, Giao thông vận tải, các cơ quan báo chí tuyên truyền để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ, đồng thời bảo đảm an toàn, hiệu quả phòng chống dịch.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp hàng không tổ chức thực hiện khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ theo Kế hoạch đã được phê duyệt; kịp thời tổng kết đánh giá và kiến nghị điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

Hiện, Bộ Y tế đã có hướng dẫn liên quan đến việc cách ly với người nhập cảnh bằng đường hàng không vào cuối tuần trước, cũng như hướng dẫn thống nhất áp dụng mẫu "hộ chiếu vắc xin".

Theo đó, người nhập cảnh Việt Nam phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong 72h (trừ trẻ em dưới 2 tuổi), khai báo y tế, cài đặt ứng dụng PC-Covid để theo dõi sức khỏe.

Người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc F0 khỏi bệnh sẽ tự theo dõi sức khỏe 3 ngày tại nơi lưu trú, xét nghiệm PCR vào ngày thứ ba. Nếu kết quả âm tính thì tự theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày. Người nhập cảnh chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin được cách ly tại nơi lưu trú 7 ngày, xét nghiệm PCR hai lần vào ngày thứ ba và thứ bảy.

Phương Trang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.