|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vietjet dự kiến trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20%, lần đầu kể từ 2018

06:34 | 28/05/2022
Chia sẻ
Vietjet lên kế hoạch phát hành 108,3 triệu cổ phiếu VJC để trả cổ tức năm 2021, vốn điều lệ dự kiến tăng lên xấp xỉ 6.500 tỷ đồng.

Vietjet dự kiến trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20%, tức là cần phát hành thêm 108,3 triệu đơn vị VJC. (Ảnh minh họa: Song Ngọc).

Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Mã: VJC) vừa công bố tài liệu phục vụ đại hội cổ đông tổ chức sáng hôm nay 28/5. Một trong những nội dung mà Hội đồng quản trị sẽ trình đại hội thảo luận và biểu quyết thông qua là phương án trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu tỷ lệ 20%.

Vietjet hiện nay có vốn điều lệ 5.416 tỷ đồng, tương ứng với hơn 541,6 triệu cổ phiếu VJC đang lưu hành. Nếu phương án cổ tức được đại hội thông qua, Vietjet sẽ cần phát hành 108,3 triệu cổ phiếu VJC mới, giá trị theo mệnh giá là 1.083 tỷ đồng.

Nhà đầu tư nắm giữ 10 cổ phiếu VJC tại ngày chốt quyền sẽ được nhận thêm hai cổ phiếu. Vốn điều lệ của Vietjet sẽ tăng lên thành 6.499 tỷ đồng.

Nguồn vốn để trả cổ tức là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày cuối năm 31/12/2021 theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán, tổng trị giá 11.281 tỷ đồng.

Lần gần đây nhất Vietjet trả cổ tức bằng tiền mặt là vào năm 2019, trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Đây là cổ tức đợt 2 năm 2018, tỷ lệ 10%, tương đương 1.000 đồng/cp.

Lần gần đây nhất Vietjet trả cổ tức bằng cổ phiếu là năm 2018 khi doanh nghiệp hàng không này phát hành 90,2 triệu đơn vị VJC để thực hiện phương án phân phối lợi nhuận năm 2017. Thống kê dưới đây cho thấy từ khi thành lập năm 2007 đến nay, Vietjet đã 8 lần tăng vốn, các phương thức bao gồm trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu thưởng hoặc phát hành riêng lẻ.

 Vietjet đã 8 lần tăng vốn kể từ khi thành lập, dự kiến năm 2022-2023 sẽ tăng vốn thêm hai lần nữa.

Ngoài phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu, Vietjet còn lên kế hoạch chào bán riêng lẻ tối đa 54,16 triệu cổ phiếu, tương đương 10% tổng số cổ phiếu VJC đang lưu hành. Đối tượng chào bán là nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Dự kiến đại hội cổ đông sẽ ủy quyền cho HĐQT quyết định giá chào bán không thấp hơn giá đóng cửa bình quân 30 phiên giao dịch liên tiếp trên thị trường trước thời điểm chào bán. Thời gian chào bán là trong năm 2022 - 2023 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Cổ phiếu chào bán riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và ba năm đối với nhà đầu tư chiến lược, không hạn chế chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chuyên nghiệp với nhau.

Vietjet dự kiến sẽ thu về 300 triệu USD, tương đương 6.960 tỷ đồng, từ đợt chào bán 10% vốn nói trên. Số tiền thu được sẽ dùng để đầu tư, thuê, mua tàu bay, động cơ và trang thiết bị sửa chữa tàu bay; bổ sung nguồn thanh khoản và vốn lưu động.

Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 đã phê duyệt phương án chào bán riêng lẻ tối đa 15% vốn điều lệ, tương đương hơn 81 triệu cổ phiếu VJC không có quyền biểu quyết, với giá không thấp hơn giá trị sổ sách trên báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất. Trong thực tế, Vietjet đã không triển khai đợt chào bán này, vốn điều lệ không thay đổi trong năm qua.

Hiện nay, vốn điều lệ của Vietjet đang kém xa Vietnam Airlines và Bamboo Airways nhưng cao hơn hai hãng khác là Pacific Airlines và Vietravel Airlines, như biểu đồ bên dưới cho thấy.

Vốn điều lệ của Vietjet đang kém xa hai đối thủ là Vietnam Airlines và Bamboo Airways.

Kết phiên 27/5, giá cổ phiếu VJC dừng ở 127.000 đồng/cp, tương ứng với vốn hóa gần 68.800 tỷ đồng và không thay đổi nhiều so với ngày đầu năm 2022. Tuy Vietnam Airlines dẫn đầu ngành hàng không về số cổ phiếu lưu hành nhưng Vietjet lại đứng trên Vietnam Airlines về giá trị niêm yết.

Giá cổ phiếu VJC duy trì trên ngưỡng 120.000 đồng/cp trong 5 tháng qua.

Song Ngọc - Đức Quyền