Ngân hàng chật vật rao bán khoản nợ hơn 500 tỷ đồng của Descon: Tài sản thế chấp là 20 lô đất và loạt hợp đồng thi công dự án
VietinBank - Chi nhánh Bắc Sài Gòn vừa thông báo bán đấu giá lần thứ 4 khoản nợ của CTCP Xây dựng Công nghiệp (Descon) để xử lý thu hồi nợ vay. Tính đến ngày 13/9/2023, tổng dư nợ tại doanh nghiệp này là hơn 560 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc hơn 327 tỷ đồng, lãi cộng dồn và lãi quá hạn cộng dồn gần 234 tỷ đồng.
Toàn bộ dư nợ của Descon tại VietinBank được bảo đảm bằng 18 hợp đồng bảo đảm được ký trong giai đoạn 2015 - 2018.
Trong đó là toàn bộ là quyền đòi nợ hình thành từ hợp đồng thi công công trình được ký giữa Descon và các doanh nghiệp. Đơn cử như Hợp đồng thi công ngày 20/3/2015 với Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Công trình Nghi Sơn), Hợp đồng thi công ngày 28/8/2017 với Công ty TNHH Biển Ngọc - Hồ Tràm (Công trình Hamptons 1), Hợp đồng thi với CTCP Milton (Công trình Pullman), Hợp đồng thi công với CTCP Sài Gòn Cam Ranh (Công trình Melia Cam Ranh), Hợp đồng thi công với Công ty TNHH Khu Du lịch Vịnh Thiên Đường (Công trình Alma),…
Ngoài ra, tài sản bảo đảm còn có quyền tài sản phát sinh từ dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Descon tại Phường 10, TP Đà Lạt; quyền tài sản từ phát sinh từ Hợp đồng khung về chuyển nhượng Dự án Preches ngày 20/9/2015 với CTCP Đầu tư Thảo Điền; 20 quyền sử dụng đất tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai.
Giá khởi điểm toàn bộ khoản nợ là 265 tỷ đồng, giảm 62 tỷ đồng so với lần rao bán gần nhất (tháng 7/2023).
Trước đó, VietinBank đã khởi kiện tranh chấp hợp đồng tín dụng đối với Descon. Tòa án nhân dân TP HCM đã có bản án phúc thẩm ngày 18/5/2022, tuyên buộc Descon phải thanh toán toàn bộ gốc, lãi, lãi phạt quá hạn cho VietinBank.
Công ty Descon thành lập từ năm 1976, tiền thân là Phân viện Thiết kế miền Nam, thuộc Viện Thiết kế Bộ Công nghiệp nhẹ. Đến năm 1989, doanh nghiệp đổi tên thành Công ty Xây dựng Công nghiệp nhẹ số 2. Từ năm 2002, doanh nghiệp được cổ phần hóa và chuyển đổi thành CTCP Xây dựng Công nghiệp (Descon).
Descon hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng. Cổ phiếu DCC của Descon lên sàn HOSE vào ngày 12/12/2007. Tuy nhiên, ngày 15/12/2011, doanh nghiệp này đã bị huỷ niêm yết 10,3 triệu cổ phiếu do vi phạm nghiêm trọng quy định về công bố thông tin.
Trước khi huỷ niêm yết, Descon đã gây chú ý với nhà đầu tư qua thương vụ thâu tóm "âm thầm" của ông Trịnh Thanh Huy – Chủ tịch của CTCP Bất động sản Bình Thiên An lúc đó. Bình Thiên An nắm đến 35% cổ phần của Descon và yêu cầu bầu lại lãnh đạo tại ĐHĐCĐ năm 2010.
Việc chuyển giao quyền lực đã gây ra mâu thuẫn, đỉnh điểm là khi xảy ra kiện cáo từ phía nguyên Chủ tịch HĐQT Nguyễn Xuân Bảng của Descon. Tới tháng 12/2010, ông Nguyễn Xuân Bảng bị bãi nhiệm chức Chủ tịch HĐQT với 81% phiếu chấp thuận.
Năm 2018, Tòa án nhân dân TP HCM có quyết định mở thủ tục phá sản đối với Descon theo đơn kiện của một nhà cung cấp.
Đến năm 2020, doanh nghiệp này bất ngờ công bố kế hoạch đưa cổ phiếu trở lại sàn chứng khoán. Gần cuối năm này, Descon cũng đã "thay máu" nhiều lãnh đạo chủ chốt.
Về kết quả kinh doanh, Descon đã công bố khoản lỗ lớn trong năm 2018 và 2019. Cụ thể, năm 2018, công ty lỗ tới 388 tỷ đồng và năm 2019 lỗ 52 tỷ đồng. Tổng lỗ luỹ kế hết năm 2019 là 380 tỷ đồng.
Tính tới cuối năm 2019, Descon vẫn đang nợ các nhà thầu, các nhà cung cấp số tiền 740 tỷ đồng. Ngoài ra, Descon có 709 tỷ đồng nợ đi vay từ các ngân hàng và các cá nhân và các tổ chức có liên quan.
Trên thị trường bất động sản, Descon được biết đến là chủ đầu tư dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Descon (phường 10, TP Đà Lạt) với tổng vốn đầu tư hơn 230 tỷ đồng. Dự án này nằm trong danh sách dự án đã chấm dứt hoạt động giai đoạn 2018 -2021 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Ngoài ra, trước đó, Descon đã góp 30% vốn cùng đối tác Hàn Quốc để xây dựng cao ốc Preche với tổng vốn khoảng 40 triệu USD. Đây là công trình chung cư cao cấp gồm các căn hộ để bán, văn phòng cho thuê và khu trung tâm thương mại có tổng diện tích hơn 11.000 m2 gồm hai block cao 30 tầng và hai tầng hầm với 324 căn hộ. Dự án này được khởi công vào tháng 11/2007.