|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vietcombank đấu giá tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu của Vinaxuki

17:53 | 15/08/2022
Chia sẻ
Vietcombank thông báo đấu giá tài sản bảo đảm chi nhánh CTCP Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) với giá khởi điểm là 33,1 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp từng đi đầu trong lĩnh vực sản xuất ô tô, tuy nhiên hiện tại Vinaxuki dần phá sản, tài sản dần bị các ngân hàng rao bán để thu hồi nợ.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) thông báo đấu giá tài sản bảo đảm chi nhánh CTCP Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki). Giá khởi điểm cho khối tài sản đảm bảo là 33,1 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo là máy móc thiết bị tại Chi nhánh CTCP Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) – Nhà máy sản xuất ô tô số 1, Mê Linh, Hà Nội.

Tài sản này đã được tòa án tuyên thuộc quyền sở hữu của ngân hàng, do đó phiên đấu giá sẽ diễn ra tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Mê Linh. Dự kiến phiên đấu giá sẽ diễn ra vào ngày 19/8/2022.

Ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng Giám đốc CTCP Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki). (Nguồn ảnh: Báo Mới)

CTCP Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) thành lập năm 2004, tiến hành xây dựng tiến hành xây dựng nhà máy tại huyện Mê Linh (Hà Nội) với công suất 20.000 xe/năm. Giai đoạn 2006-2008, nhà máy này đã sản xuất trên 20 dòng xe tải, với tỷ lệ nội địa hóa 27%. Giai đoạn từ 2006-2009 là “thời hoàng kim” của Vinaxuki khi luôn luôn đạt lợi nhuận khủngvới lãi thấp nhất là 90 tỷ đồng, năm cao nhất lãi tới 160 tỷ đồng.

Theo Vietnamnet, từ 2010, Vinaxuki đầu tư vào sản xuất ô tô con dưới 9 chỗ ngồi. Hơn 900 tỷ đồng từ vốn vay và lợi nhuận tích lũy được Vinaxuki rót vào luyện kim, đúc phôi, sản xuất khuôn mẫu, cùng các thiết bị tự động cho dây chuyền dập, cắt plasma, cắt laser, sơn tự động bằng robot...

Tuy nhiên, đến năm 2012 Vinaxuki lỗ 45 tỷ đồng và bị nợ quá hạn ngân hàng. Theo quy định, khi đã nợ quá hạn không thể tiếp tục vay vốn được nữa. Do đó, từ 2012 trở đi, Vinaxuki không thể vay được vốn ở đâu, dù chỉ là vốn lưu động.

Đến năm 2013, tổng dư nợ của Vinaxuki tại 4 ngân hàng lên đến 940 tỷ đồng. Ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng Giám đốc CTCP Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) cho biết đã phải bán nhà cửa, vét từng đồng lấy tiền trả lãi để được tái cơ cấu từ vốn vay ngắn hạn sang dài hạn nhưng các ngân hàng cũng không cho vay nữa. Sau đó, Vinaxuki bị đưa vào nợ xấu nhóm 4 và yêu cầu bàn giao tài sản để ngân hàng bán.

Trước đó vào tháng 6/2021,UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định thu hồi 45,6 đất của Công ty TNHH Một thành viên Ô tô Vinaxuki Thanh Hóa cho CTCP Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu thuê đất để tiếp tục sử dụng thực hiện dự án Cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng. 

Dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô, máy của Vinaxuki Thanh Hóa được cấp phép xây dựng từ năm 2010 với tổng vốn 1.360 tỷ đồng. Nhà máy này đi vào hoạt động năm 2011 nhưng chỉ sau đó hai năm thì ngưng trệ rồi bỏ hoang. 

Năm 2020, BIDV cũng từng thông báo bán đấu giá khoản nợ trị giá 1.265 tỷ đồng của Vinaxuki và Vinaxuki chi nhánh Thái Nguyên.

Tài sản bảo đảm cho khoản nợ gồm quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội, tổng diện tích đất là 138.814 m2, máy móc thiết bị tại Nhà máy Vinaxuki Mê Linh, quyền khai thác mỏ quặng Antimon và dây chuyền tuyển quặng tại Thôn 15, xã Đắk Drông, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông và tài sản gắn liền với đất của Nhà máy Vinaxuki Thái Nguyên tại Khu B-KCN Nam Phổ Yên, Thái Nguyên.

Huyen Vi