|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Việt Nam vẫn là thị trường cận biên, số quĩ thị trường mới nổi rót tiền vào đã tăng cao kỉ lục

16:01 | 12/09/2019
Chia sẻ
Một khảo sát mới đây cho thấy khoảng 1/5 số quĩ thị trường mới nổi đang sở hữu cổ phiếu Việt Nam dù Việt Nam vẫn đang trong danh sách thị trường cận biên và chưa có mặt trong chỉ số MSCI thị trường mới nổi.

Các nhà quản lí quĩ thường rất ngại đi chệch khỏi danh mục của các chỉ số mà quĩ mình theo dõi và do vậy ít khi mua cổ phiếu ở các quốc gia không có tên trong chỉ số.

Tuy vậy theo một khảo sát mới đây của Copley Fund Research, 19,7% tức là gần 1/5 số quĩ thị trường mới nổi trên thế giới đang nắm giữ cổ phiếu Việt Nam. Đây là con số cao kỉ lục và gấp ba lần mức năm 2014. Copley hiện theo dõi 193 quĩ với tổng giá trị tài sản 350 tỉ USD.

Số quĩ nắm giữ cổ phiếu Việt Nam cao đột biến được cho là hệ quả của việc nhiều nhà đầu tư coi Việt Nam là nước thắng cuộc trong thương chiến Mỹ - Trung và đón nhận nhiều doanh nghiệp tới rót vốn đầu tư nhằm tránh thuế quan.

Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã tăng nhanh tới mức Tổng thống Donald Trump có lúc đe dọa áp thuế quan lên cả hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam như đang làm với Trung Quốc.

US - Vietnam deficit xnk

Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ tăng nhanh. Nguồn số liệu: Cục Thống kê Dân số Mỹ.

Ông Steven Holden, Tổng Giám đốc Copley Fund Research nhận định: "Từ quan điểm của nhà đầu tư, người chắc chắn hưởng lợi từ căng thẳng Mỹ-Trung là Việt Nam".

Ông Roddy Snell, quản lí quĩ Baillie Gifford Pacific Fund cho rằng Việt Nam hiện là câu chuyện tăng trưởng tuyệt vời nhất trên toàn khu vực châu Á ngoại trừ Nhật Bản, thậm chí là toàn khối thị trường mới nổi. Các cổ phiếu Việt Nam hiện đang chiếm tỉ trọng 11,3% trong quĩ của ông.

"Việt Nam có cơ cấu dân số trẻ, vị trí địa lí thuận lợi, chi phí nhân công rẻ - có khi chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc, thậm chí thấp hơn – và chủ yếu là ổn định về chính trị. Tất cả những nhân tố này đã kết hợp lại để biến Việt Nam thành một cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu lí tưởng", ông Snell nói.

Ông Jorry Noeddekaer, quản lí quĩ thị trường mới nổi tại Polar Capital cũng cho rằng câu chuyện Việt Nam là hết sức hấp dẫn với dân số trẻ, được đào tạo tốt, cung cấp "nền tảng nhân lực vững chắc hơn so với các nước cận biên hay mới nổi giai đoạn đầu".

"Việt Nam còn có tỉ lệ nữ giới tham gia lao động cao, tài nguyên thiên nhiên dồi dào và cơ sở hạ tầng tương đối tốt. Đất nước này còn rất cởi mở cho hoạt động kinh doanh", ông nói thêm.

Từ năm 2011, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định đã dần dần thu hút ngày càng nhiều nhà quản lí quĩ tới Việt Nam. Theo số liệu của Copley, Việt Nam hiện chiếm trung bình khoảng 0,26% tỉ trọng các quĩ thị trường mới nổi.

copley EM

Từ năm 2011 đến nay, cổ phiếu Việt Nam ngày càng được nhiều quĩ thị trường mới nổi ưa thích. Nguồn: Financial Times/Copley Fund Research.

Mặc dù tỉ trọng này nghe có vẻ không lớn nhưng các nhà quản lí quĩ thị trường mới nổi nói chung rất hiếm khi sở hữu cổ phiếu của một quốc gia cận biên với qui mô này.

Nhiều quĩ thị trường mới nổi từ lâu đã nắm giữ cổ phiếu các tập đoàn đa quốc gia có hoạt động phụ thuộc vào các nước mới nổi và niêm yết cổ phiếu tại các thị trường phát triển,  chẳng hạn như Unilever, HSBC, Nestle, Samsonite.

Tuy nhiên Việt Nam là thị trường không phát triển và nằm ngoài chỉ số có tỉ trọng danh mục lớn nhất, đứng trên Nigeria, Kenya, Romania và Kuwait. Đáng chú ý, Kuwait sẽ được đưa vào chỉ số tham chiếu MSCI mới nổi vào tháng 5/2020 nhưng tỉ trọng vẫn thấp hơn Việt Nam – quốc gia chưa biết khi nào mới được nâng hạng.

Tỉ trọng cổ phiếu Việt Nam trong các quĩ thị trường mới nổi còn cao gấp 2,5 lần Saudi Arabia, cao hơn Cộng hòa Czech và Pakistan. Cả ba nước này đều trong chỉ số thị trường mới nổi.

copley EM 2

Việt Nam tỏ ra hấp dẫn hơn nhiều thị trường cận biên khác trong mắt các quĩ thị trường mới nổi. Nguồn: Financial Times/Copley Fund Research.

Việt Nam thu hút được dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn vào lĩnh vực sản xuất và điều này rất có lợi cho nền kinh tế. Tuy nhiên xu thế này là chưa đủ để tạo ra cơ hội đầu tư cổ phiếu rõ rệt tại Việt Nam

Quĩ Baillie Gifford Pacific Fund của ông Roddy Snell hiện sở hữu 11 cổ phiếu Việt Nam, trong đó chỉ có một nhà xuất khẩu là Vĩnh Hoàn (VHC) – nhà sản xuất cá ba sa lớn nhất thế giới.

Thay vào đó, các nhà quản lí quĩ đang rót tiền vào các doanh nghiệp hoạt động nội địa và các lĩnh vực mà họ cho là sẽ hưởng lợi nhờ chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ, đầu tư cao và tăng trưởng kinh tế tốt.

Ông Noeddekaer đến từ quĩ Polar Capital thì ưa thích "ông lớn" vận hành các trung tâm thương mại như Vincom Retail (VRE), doanh nghiệp bất động sản khác như Vinhomes (VHM), Kinh Bắc (KBC) và các cổ phiếu ngân hàng như Techcombank (TCB).

Ông Roddy Snell cũng thích các cổ phiếu ngân hàng như MBBank (MBB), VPBank (VPB), HDBank (HDB).

"Hệ thống ngân hàng Việt Nam có tỉ lệ thâm nhập tương đối thấp. Tỉ lệ cho vay/GDP không quá cao, đặc biệt là các khoản vay tiêu dùng. Vì vậy chúng tôi nghĩ cơ hội là rất lớn".

Các cổ phiếu khác mà ông Snell đang nắm giữ bao gồm đại gia bất động sản Vingroup (VIC), tập đoàn thép lớn nhất cả nước Hòa Phát (HPG).

Ông cho rằng Việt Nam có nhiều doanh nghiệp tốt đang giao dịch với định giá rẻ. Ngoài ra ông còn nhận thấy vấn đề thanh khoản thấp trên sàn HOSE hiện đã được giải quyết phần nào với giá trị giao dịch hiện đạt khoảng 300 triệu USD một ngày.

Dù vậy, nhà đầu tư vẫn gặp một số trở ngại nhất định chẳng hạn như giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài đối với từng cổ phiếu. Đây là lí do chính khiến Việt Nam chưa được đưa vào chỉ số MSCI mới nổi.

Thực tế này dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài thường phải trả giá cao hơn (premium) đáng kể mức giá niêm yết trên sàn chứng khoán để có thể tiếp cận được những cổ phiếu phù hợp.

Đến khi bán, các quĩ ngoại sẽ thu về số chênh lệch premium này nhưng rủi ro là ngay lúc mua, giá trị tài sản ròng của quĩ (NAV) bị "lõm" một khoản lớn do cổ phiếu phải được định giá theo giá niêm yết trên thị trường (marked-to-market).

"Đây là lí do chính khiến chúng tôi không đầu tư thêm vào Việt Nam", ông Snell nói. "Chúng tôi muốn mua cổ phiếu Thế giới Di động (MWG) nhưng hiện giá cổ phiếu này có premium lên tới 30%. Vừa mua ngay ngày đầu tiên, NAV đã thiệt hại lớn".

Một rủi ro hiện hữu khác là thặng dư thương mại ngày càng lớn của Việt Nam với Mỹ có thể dẫn tới việc Mỹ áp thuế trừng phạt lên Việt Nam. Đầu tháng 7, Bộ Thương mại Mỹ đã bắt đầu đánh thuế hơn 400% đối với sản phẩm thép Việt có nguồn gốc từ Hàn Quốc và Đài Loan.

Chính phủ Việt Nam đã cam kết sẽ kiểm soát chặt chẽ việc hàng nước ngoài mượn đường qua Việt Nam, dán nhãn mới rồi tái xuất khẩu để tránh thuế.

Việc Nam cũng cam kết sẽ nhập khẩu thêm nhiều hàng hóa Mỹ bao gồm than, khí tự nhiên, thịt, hoa quả và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác nhằm thu nhỏ mất cân đối thương mại.

Ông Roddy Snell nói: "Tổng thống Trump là người rất khó đoán. Tôi nghĩ không quốc gia nào hoàn toàn tránh được ảnh hưởng nhưng Việt Nam ít có khả năng trở thành mục tiêu thực sự vì qui mô quá nhỏ so với Trung Quốc."

Ông Steven Holden, Tổng Giám đốc Copley Fund Research cũng lạc quan về triển vọng Việt Nam được thêm vào chỉ số MSCI mới nổi và khi đó, tỉ trọng đầu tư của các quĩ vào Việt Nam sẽ tăng lên.

Song Ngọc