Việt Nam tìm cách thu thuế của Agoda, Airbnb, Booking và PayPal thế nào?
Việt Nam vừa yêu cầu các ngân hàng khấu trừ thuế cho Agoda, Airbnb, Booking.com và PayPal. Đây là bước đi mới nhất của cơ quan chức năng nhằm thu thuế từ các tập đoàn công nghệ toàn cầu.
Theo một văn bản của Tổng cục Thuế mà Nikkei Asia có được, yêu cầu này áp dụng với 4 nền tảng trực tuyến nói trên và khoảng 100 ngân hàng. Điều này có nghĩa là khi người Việt Nam thanh toán qua các website này, ngân hàng có thể sẽ tự động trừ một phần tiền để nộp thuế.
Văn bản được gửi đến các ngân hàng trong và ngoài nước vào ngày 31/12, sau đó được công bố trên truyền thông. Nội dung văn bản yêu cầu các ngân hàng thông báo đến các chi nhánh để họ thực hiện kê khai, khấu trừ và nộp thuế khi thanh toán cho các công ty này.
Trong những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực tìm cách đánh thuế các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài không có văn phòng trong nước. Trước đó, Việt Nam cũng đã yêu cầu ngân hàng thu thuế khi người dân thanh toán cho các dịch vụ số xuyên biên giới như Netflix. Các ứng dụng mạng xã hội như TikTok cũng đã bắt đầu khấu trừ thuế từ người dùng kiếm tiền trên nền tảng.
Ngoài ra, Việt Nam còn có kế hoạch thu thêm thuế từ hàng hóa giá rẻ mà người tiêu dùng mua qua các trang thương mại điện tử như Shein, Temu.
Văn bản ngày 31/12 tập trung vào các dịch vụ trung gian đặt phòng, trừ PayPal. Cả 4 công ty này đều được đăng ký tại các quốc gia được coi là “thiên đường thuế” như Singapore, Hà Lan hoặc Ireland.
Việt Nam đang tham gia vào sáng kiến áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu 15%. Đây là đề xuất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và được hơn 130 quốc gia ủng hộ. Mức thuế này nhằm ngăn các tập đoàn đa quốc gia chọn những nơi có thuế suất thấp để đăng ký hoạt động. Điều này trở nên cần thiết khi nền kinh tế toàn cầu ngày càng chuyển dịch sang số hóa và giao thương truyền thống dần mất vai trò quan trọng.
Agoda, Airbnb, Booking.com và PayPal đã hoạt động ở Việt Nam hơn 10 năm. Các công ty này có doanh thu lên đến hàng chục triệu USD. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này vẫn chưa đăng ký nộp thuế tại Việt Nam. Cơ quan thuế đã nhiều lần làm việc với họ qua nhiều hình thức khác nhau nhưng chưa đạt kết quả.