Việt Nam tiếp tục xúc tiến nhập khẩu điện từ Lào
Sau khi thống nhất giá điện với Lào, nếu mức giá thấp hơn chi phí sản xuất điện trong nước thì Việt Nam sẽ xúc tiến việc nhập khẩu điện từ Lào (Nguồn: Dân trí) |
Có thể xúc tiến nhập khẩu điện từ Lào
Phát biểu tại cuộc họp với đại diện Tập đoàn, Tổng công ty và các đơn vị thuộc Bộ về tình hình cung cấp điện 2017 sáng ngày 22/11, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, thực tế của năm 2016 có thay đổi so với kế hoạch, tuy nhiên thay đổi này không lớn, có thể chấp nhận được. Năm 2016 ghi nhận sự nỗ lực của cả hệ thông, góp phần đảm bảo ổn định nguồn cung điện cho cả nước, phục vụ sản xuất và sinh hoạt, phát triển đất nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Thứ trưởng bày tỏ niềm vui "vì năm 2016 không phải điều chỉnh giá điện, không vướng phải bức xúc trong dư luận về tình hình giá điện. Đồng thời, nhận định năm 2017 cũng sẽ không "ồn ào" về giá điện.
Đáng lưu ý, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết thêm, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường phối hợp, hợp tác với Lào trong việc cung ứng điện. Sau khi thống nhất giá điện với Lào, nếu mức giá thấp hơn chi phí sản xuất điện trong nước thì Việt Nam sẽ xúc tiến việc nhập khẩu điện từ Lào.
Trước đó, vào tháng 4/2016, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đã tổ chức đóng điện xung kích thành công dự án đường dây 220 kV Xekaman 1 (Hatxan) – Pleiku 2 (phần trên lãnh thổ Việt Nam). Đường dây này nhằm truyền tải điện từ các nhà máy thủy điện Xekaman 1, Xekaman San-xay, Xekong 3 thượng, Xekong 3 hạ từ Lào về Việt Nam.
Được biết, hiện nay nguồn điện năng ở Lào đều từ các thủy điện sông Mê Kông. tiềm năng thủy điện của Lào trên dòng chính sông Mêkông trên lãnh thổ Lào là 7.500 MW, giữa biên giới sông của Lào – Thái là 2.500 MW, còn trên dòng nhánh lên đến 13.000 MW.
Tiềm năng thủy điện là vậy, nhưng lại chỉ phục vụ cho số dân chỉ 7 triệu người. Lào lại chủ yếu phát triển nông nghiệp, các khu công nghiệp sản xuất lớn chưa có, nên lượng điện tiêu thụ thấp. Chính vì thế Lào muốn xuất khẩu điện sang những nước láng giềng như Thái Lan và Việt Nam.
Đảm bảo cung ứng điện ổn định trong năm 2017
Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) Đinh Thế Phúc cho biết, về kế hoạch cung ứng điện 2017, nhìn chung EVN đã chủ động bám sát tình hình thời tiết, tình hình sản xuất kinh doanh, chỉ đạo các đơn vị thành viên, huy động các nguồn lực nhằm cung ứng điện ổn định, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Theo báo cáo của ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc EVN, năm 2016, EVN lập kế hoạch với sản lượng điện sản xuất và mua ngoài là 175,9 tỷ kWh. Trong đó, điện sản xuất là 81,6 tỷ kWh, điện mua là 94,27 tỷ kWh và điện thương phẩm là 19,1 tỷ kWh.
Tính đến tháng 10/2016, tổng công suất ngành điện đạt 40.823 MW, trong đó thuỷ điện 15.368 MW (37,7%), nhiệt điện than 13.826 MW (33,9%), nhiệt điện dầu 875 MW (2,1%), nhiệt điện khí 7997 MW (19,6%), thuỷ điện nhỏ 2209 MW (5,4%), gió 135 mw (0,3%), nhập khẩu 395 MW (1%).
Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, các giải pháp EVN đã, đang thực hiện: Chủ động tích nước các hồ thủy điện; Chỉ đạo các tổng công ty củng cố hệ thống phát điện; Đẩy mạnh sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, sắp tới Tập đoàn sẽ xây các nhà máy điện mặt trời; Tăng cường củng cố hệ thống lưới điện, chuẩn bị nhân lực, nguồn lực chủ động ứng phó với các sự cố xảy ra; Tuyên truyền rộng rãi trong công đồng về tiết kiệm điện...
Để đảm bảo cung ứng điện, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đề nghị các đơn vị trong toàn hệ thống quan tâm bảo dưỡng nhà máy điện, đảm bảo cung cấp điện an toàn vì năm 2016 vẫn còn nhiều sự cố, có những sự cố nghiêm trọng.
Thứ trưởng đề nghị PVN cần đảm bảo cung cấp đủ khí cho sản xuất điện. Đối với TKV và Tổng công ty Đông Bắc, Thứ trưởng đề nghị cung cấp than đủ cho 22 nhà máy điện theo các Hợp đồng. Đối với các nhà máy nhiệt điện, rà soát lại nguồn than để tình hình cung ứng ổn định. Về vấn đề của nhà máy thủy điện, đề nghị các đơn vị rà soát quy trình vận hành, lên các phương án và xem xét trách nhiệm của địa phương khi vận hành xả lũ.