|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam tích cực đóng góp cho thành công của Cấp cao ASEAN và Đông Á

07:32 | 09/09/2016
Chia sẻ
Trong 3 ngày từ 6-8/9 tại Vientiane, Lào đã diễn ra những sự kiện quan trọng liên quan đến đời sống chính trị khu vực, bao gồm Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28-29, Hội nghị Cấp cao ASEAN + 3 lần thứ 19 và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 11.
viet nam tich cuc dong gop cho thanh cong cua cap cao asean va dong a
Thủ tướng cùng các nhà lãnh đạo dự Hội nghị Cấp cao ASEAN+3. (Ảnh VGP).

Các hội nghị cấp cao diễn ra vào thời điểm nền kinh tế thế giới phát triển chậm lại và thiếu ổn định, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra gay gắt ở châu Á. Từ bài học Brexit (nước Anh rút khỏi Liên minh châu Âu), ASEAN càng ý thức được tình hình thực tiễn của mình để hoạt động của các cơ chế liên quan ASEAN nâng cao hiệu quả về hợp tác an ninh và phát triển của khu vực, để ASEAN có thể làm một trụ cột thể chế quan trọng của trật tự khu vực. Cuộc khủng hoảng Biển Đông đã bộc lộ các hạn chế của ASEAN trước sức ép nước lớn. Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) ra đời nhưng cần khắc phục khoảng cách giữa khát vọng và thực tế, các nghĩa vụ sẽ mất nhiều năm mới thực hiện được.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28-29, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thảo luận về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, nêu đậm việc tăng cường đoàn kết, thống nhất, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN và xây dựng cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ. Hội nghị thông qua văn bản tầm nhìn “ASEAN năm 2025: Siết tay tiến lên”.

Tại Hội nghị ASEAN+3 có Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tham dự, các nhà lãnh đạo đã trao đổi về hợp tác giữa các bên, thảo luận về lễ kỷ niệm 20 năm thiết lập cơ chế ASEAN+3 dự kiến diễn ra vào năm 2017-cột mốc quan trọng của ASEAN nhân nửa thế kỷ thành lập tổ chức khu vực này.

Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) diễn ra với mong đợi về những giải pháp cho các cuộc xung đột khu vực tại bán đảo Triều Tiên, các vùng biển Hoa Đông và Đông Nam Á. Việc xây dựng cơ chế và chế độ hợp tác Đông Á đã hình thành khung cơ bản lấy ASEAN làm chủ đạo. Hội nghị lần này, với sự tham gia của các nhà lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước khác, đã khẳng định vai trò của EAS thúc đẩy hợp tác an ninh Đông Á và liên kết kinh tế khu vực.

Phát biểu tại các Hội nghị Vientiane, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ đối ngoại của ASEAN, tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ của các đối tác bên ngoài để xây dựng Cộng đồng và thực hiện Tầm nhìn 2025, qua đó khẳng định vai trò và vị thế quốc tế của ASEAN. Thủ tướng khẳng định những nhân tố quyết định thành công của ASEAN là tự cường và lớn mạnh của từng quốc gia thành viên, gia tăng gắn kết, đoàn kết và thống nhất của ASEAN cũng như khả năng xử lý hài hòa lợi ích của các đối tác với lợi ích của mỗi quốc gia và của cả ASEAN.

Khi đề cập đến Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng mục tiêu hàng đầu là các nước thành viên ASEAN và đối tác có trách nhiệm chung trong việc duy trì hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông và tạo điều kiện thuận lợi cho giải quyết tranh chấp; các bên cần kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình, thúc đẩy đàm phán sớm đi đến kết quả thực chất, tuân thủ luật pháp quốc tế.

Tại Hội nghị các thành viên Mekong-Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ các nước Mekong xây dựng các tuyến đường mới dọc theo các hành lang kinh tế, đặc biệt là tuyến đường cao tốc Vientiane-Hà Nội, nhằm gắn kết không chỉ thủ đô Việt Nam-Lào, mà còn tạo nên một hành lang kết nối mới. Thủ tướng cũng đề nghị Chính phủ Nhật Bản tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ giúp các nước Mekong phát triển nền nông nghiệp xanh, thông minh và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Về vấn đề Biển Đông, tại các diễn đàn và các cuộc tiếp xúc song phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ lo ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây, nhấn mạnh các bên cần kiềm chế, không có các hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình, nỗ lực giảm căng thẳng và ngăn ngừa nguy cơ đụng độ trên biển, tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Chiều 7/9, Hội nghị đã ra Tuyên bố Chủ tịch của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28-29. Nội dung có một phần riêng về Biển Đông, theo đó, các nhà lãnh đạo ASEAN tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc về các diễn biến gần đây, đồng thời ghi nhận quan ngại của một số Bộ trưởng về việc tôn tạo, bồi đắp và sự gia tăng các hành động ở khu vực, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể gây phương hại tới hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Các nhà lãnh đạo ASEAN tái khẳng định sự cần thiết cần tăng cường lòng tin, kiềm chế và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình và theo đuổi việc giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa và kiềm chế trong mọi hoạt động, trong đó có việc tôn tạo, bồi đắp, có thể làm phức tạp thêm tình hình và gia tăng căng thẳng ở Biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, đồng thời hoan nghênh Tuyên bố chung về áp dụng Bộ Quy tắc ứng xử để tránh va chạm bất ngờ trên biển ở Biển Đông (CUES) và Tài liệu hướng dẫn vận hành đường dây nóng giữa quan chức cao cấp của các Bộ Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc về ứng phó với các sự cố khẩn cấp trên Biển Đông.

Thông qua hoạt động đa phương và các tiếp xúc song phương, phái đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã đóng góp tích cực vào thành công của chương trình nghị sự ASEAN, EAS, tăng cường tính hiệu quả và thiết thực của các cơ chế ASEAN.

Theo TS. Nguyễn Ngọc Trường

Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế