Việt Nam thuộc top 3 thị trường tiềm năng mở rộng kinh doanh ở khu vực
Báo cáo Niềm tin kinh doanh trong tương lai của Nielsen thực hiện với các lãnh đạo doanh nghiệp mới đây cho biết, Việt Nam là một trong ba thị trường hàng đầu để mở rộng kinh doanh trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, cùng với Trung Quốc và Indonesia.
Theo bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng Giám đốc công ty Nielsen Việt Nam, tăng trưởng GDP toàn cầu giai đoạn 2016 - 2020 ước tính khoảng 3,1%/năm. Trong đó, Mỹ và Châu Âu sẽ chỉ tăng khoảng 2%, còn thị trường mới nổi sẽ có mức tăng khoảng 4%. Vì vậy, các công ty đa quốc gia vẫn có xu hướng tìm đến khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Tại Việt Nam, Chính phủ đang có nỗ lực lớn trong việc đưa ra những thay đổi đáng kể trong các luật lệ thương mại để thu hút đầu tư nước ngoài và vì thế ngành hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam đang “chuyển động nhanh”.
Bà Hương Quỳnh phân tích, những xu hướng mới của thị trường đang đến từ sự thay đổi nhân khẩu, sự phát triển cơ sở hạ tầng vật lý và kỹ thuật số, sự phức tạp trong cấu trúc thị trường, sự thay đổi về sở thích của người tiêu dùng và sức mạnh của các nhà bán lẻ.
Ví dụ về đặc điểmnhân khẩu ở Việt Nam, 25% dân số đang trong độ tuổi từ 10 – 24 và độ tuổi ttrung bình của người Việt là 29, có khoảng 7 người làm việc cho 1 người “về hưu”. Việt Nam cũng là nước có tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, họ đang dãn đều về các tỉnh thành thay vì tập trung ở Hà Nội và TP HCM như trước.
Tổng Giám đốc Nielsen cho rằng, người mua hàng hiện nay rất am hiểu về công nghệ thông tin, họ nhận thức về thương hiệu thông qua tiếp thị. Tầng lớp trung lưu là những bậc phụ huynh đang đầu tư mạnh vào giáo dục con cái và các dịch vụ tài chính tinh vi hơn. Đây là cơ hội cho nhiều ngành công nghiệp phát triển.
Người tiêu dùng hiện nay nhận thức về thương hiệu thông qua tiếp thị |
“Nhưng dân số sẽ lão hóa nhanh. Ước tính đến năm 2020, dân số từ 50 – 69 tuổi sẽ chiếm 20% tổng dân số, tăng gần gấp đôi so với năm 2010. Đây là cơ hội cho dòng sản phẩm mới tập trung vào phân khúc khách hàng này”, bà Hương Quỳnh nhận định.
Bà cũng chỉ ra rằng, thực tế sự thành công của những đổi mới và sáng tạo phụ thuộc vào chiến lược tiếp cận xâm nhập thị trường nhiều hơn là bản thân sản phẩm. Các nhà sản xuất bà phân phối bán lẻ cần chú ý đến nhu cầu của người tiêu dùng trong dài hạn vì đó là cơ hội để các ngành phát triển.