|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thương mại điện tử Việt: ‘Mảnh đất màu’ khó thu hoạch

17:08 | 18/09/2016
Chia sẻ
Thị trường Thương mại điện tử ở Việt Nam dù được nhận định là còn rất tiềm năng song cuộc cạnh tranh vô cùng khốc liệt.

Lời hứa còn bỏ ngỏ...

Chỉ riêng từ năm 2015 đến nay, đã có rất nhiều website TMĐT phải đóng cửa chỉ sau vài năm hoạt động. Sự ra đi của những trang tin TMĐT này diễn ra có khi rất đình đám, nhưng cũng có khi lại vô cùng lẵng lẽ.

Hôm qua (17/9), Cdiscount.vn, trang TMĐT thuộc Big C Việt Nam, thông báo sẽ đóng cửa vào ngày 31/12/2016 mà không hề giải thích lý do. Bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2014, Cdiscount.vn bán nhiều mặt hàng đa dạng như điện thoại, laptop, thiết bị văn phòng, đồ gia dụng, nội thất, tạp hóa, sản phẩm mẹ và bé… Trái với tuyên bố “tự tin sẽ trở thành nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu Việt Nam”, Cdiscount Việt Nam đã tuyên bố sẽ phải đóng cửa trong 3 tháng tới.

thuong mai dien tu viet manh dat mau kho thu hoach
Thông báo đóng cửa được đăng trên website Cdiscount.vn

Một trường hợp khác “ra đi” khá ầm ĩ vào ngày 2/8, đó là Lingo.vn. Theo nội dung một bức “tâm thư” đăng tải trên trang fanpage chính thức của Lingo, quyết định giải thể công ty được thông báo bất ngờ và chóng vánh chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ.

Theo thông báo, công ty yêu cầu mọi người nghỉ việc ngay lập tức, lương tháng 7 sẽ được trả trong 2 tuần sau đó. 265 nhân viên của công ty này đã đột ngột bị đẩy ra đường mà không hề có một khoản hỗ trợ nào.

Ra mắt lần đầu hồi tháng 8/2011, Lingo.vn thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Truyền thông VMG. Đến tháng 3/2014, VMG thành lập Công ty TNHH Lingo, phụ trách mảng kinh doanh dịch vụ TMĐT. Đặt mục tiêu trở thành website TMĐT số 1 Việt Nam, nhưng lời hứa đã bị đứt gánh giữa đường.

Trước đó, vào năm 2015, nhiều doanh nghiệp TMĐT khác ở Việt Nam như Deca.vn, Beyeu.com, Cucre.vn cũng đã liên tiếp đóng cửa. Mặc dù có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc đóng cửa các website này, nhưng lý do được đưa ra chính yếu nhất vẫn là vấn đề kinh phí đầu tư quá lớn, trong khi ngày thu lãi còn xa.

thuong mai dien tu viet manh dat mau kho thu hoach

Những khó khăn nêu trong Báo cáo TMĐT Việt Nam 2015.

(Nguồn: Cục TMĐT & CNTT, Bộ Công Thương).

Theo báo cáo mới nhất về tình hình TMĐT Việt Nam năm 2015 của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Cục TMĐT & CNTT), Bộ Công Thương, cuộc khảo sát 1.800 thương nhân, tổ chức sở hữu website TMĐT cho kết quả: 31% website gặp khó khăn do nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển TMĐT.

25% website đánh giá việc khách hàng thiếu tin tưởng vào chất lượng hàng hóa hoặc lo ngại về vấn đề an toàn khi thanh toán trực tuyến, gây cản trở cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, báo cáo còn chỉ rõ nhiều hạn chế khác của kinh doanh TMĐT như: chi phí cho dịch vụ vận chuyển giao nhận còn cao, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp còn chưa lành mạnh, hay khách hàng lo ngại vấn đề bảo mật thông tin trong giao dịch, trở ngại trong thanh toán điện tử…

Tiềm năng TMĐT còn lớn

thuong mai dien tu viet manh dat mau kho thu hoach

Số lượng website được xác nhận thông báo, đăng ký cộng dồn qua các năm.

(Nguồn: Báo cáo TMĐT Việt Nam 2015).

Tiềm năng của ngành TMĐT cũng được chứng minh trong báo cáo trên của Cục TMĐT & CNTT. Trong đó đưa kết quả, giá trị mua hàng của một người mua hàng trực tuyến trong năm ước đạt 160 USD.

Doanh số TMĐT theo mô hình B2C (Doanh nghiệp với khách hàng) đạt khoảng 4,07 tỉ USD, tăng 37% so với năm trước, chiếm khoảng 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Báo cáo còn cho biết, số lượng website cung cấp dịch vụ TMĐT chỉ chiếm 11%, còn lại 89% là website bán hàng. Những nhóm sản phẩm được mua bán phổ biến nhất bao gồm: hàng điện lạnh, thiết bị gia dụng, máy tính, điện thoại, thiết bị văn phòng, thời trang và phụ kiện. Nhóm dịch vụ (bất động sản, việc làm, đào tạo) chiếm tỉ lệ ít hơn.

Trong số các website cung cấp dịch vụ TMĐT, Vietnamairline, Thegioididong, Esale, Fptshop, Lazada… thuộc top đơn vị có doanh thu cao nhất. Mức doanh thu được tính từ phí gian hàng, phí thành viên, quảng cáo, phí dựa trên % đơn hàng.

thuong mai dien tu viet manh dat mau kho thu hoach
Nguồn: Báo cáo TMĐT Việt Nam 2015.

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, các website TMĐT tập trung chủ yếu ở hai trung tâm lớn là Hà Nội và TP HCM, riêng hai thành phố này đã chiếm đến 84% tổng số website của cả nước.

Mặc dù nhận biết hết những hạn chế của việc mua hàng qua mạng, nhưng 95% trong số gần 100 người được hỏi cho biết, sẽ tiếp tục tham gia hình thức mua sắm này. Nhu cầu mua sắm trực tuyến xuất phát từ đặc điểm của chính khách hàng, họ ngày càng có ít thời gian để trực tiếp xem hàng và thực hiện hoạt động mua bán.

“Giai đoạn 5 năm gần đây, tình hình ứng dụng TMĐT trong doanh nghiệp đã mở rộng trên phạm vi cả nước. Nhiều mô hình kinh doanh mới, đa dạng đã hình thành và được doanh nghiệp vận hành, triển khai”, Cục TMĐT & CNTT nhận định.

Theo thống kê của Tổ chức thống kê số liệu Internet quốc tế (internetworldstats), tính đến hết tháng 6/2016, Việt Nam có hơn 49 triệu người dùng Internet, chiếm 51,5% dân số. Đây là minh chứng rằng lượng khách hàng tiềm năng của ngành TMĐT rất lớn và thị trường cho các nhà đầu tư thì vô cùng rộng. Mảnh đất thương mại điện tử vẫn còn màu mỡ chờ những nhà đầu tư thông minh tiếp tục khai phá.

Linh Lê