|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam tăng 28 bậc trong bảng Chỉ số Phục hồi COVID-19 ngay trong tháng đầu tiên của năm 2022

15:49 | 07/02/2022
Chia sẻ
Với việc hướng tới mục tiêu bình thường mới bằng cách sống chung với COVID-19, Việt Nam đã bắt đầu quay trở lại vị trí cao hơn trước trong bảng xếp hạng Chỉ số Phục hồi COVID của Nikkei, tăng 28 bậc lên thứ 90.

Mới đây, Nikkei Asia đã công bố bảng xếp hạng Chỉ số Phục hồi COVID-19, phản ánh các số liệu tính đến hết ngày 31/1. Theo đó, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam đã thăng hạng sau khi mở cửa trở lại.

Chỉ số Phục hồi COVID-19 của Nikkei đánh giá các quốc gia và khu vực trên thế giới về khả năng kiểm soát lây nhiễm, triển khai tiêm phòng vắc xin và dịch chuyển xã hội. Nơi có xếp hạng càng cao thì khả năng phục hồi càng cao, nghĩa là tỷ lệ nhiễm bệnh thấp hơn, tỷ lệ tiêm chủng cao hơn và các biện pháp phòng dịch, giãn cách xã hội ít nghiêm ngặt hơn.

Cụ thể, Nikkei cho biết dù vẫn đang phải ghi nhận mức độ lây nhiễm cao nhưng nhờ tỷ lệ tiêm chủng nằm trong top đầu thế giới, Việt Nam đang dần quay trở lại với cuộc sống bình thường như nới lỏng các quy định nhập cảnh đối với công dân nước ngoài và người lao động nước ngoài vào cuối tháng trước.

Qua đó, Việt Nam đã bắt đầu quay trở lại vị trí cao hơn trước trong bảng Chỉ số Phục hồi COVID, tăng 28 bậc lên thứ 90.

Việt Nam tăng 28 bậc trong bảng Chỉ số Phục hồi COVID-19 ngay trong tháng đầu tiên của năm 2022 - Ảnh 1.

Bảng xếp hạng Chỉ số Phục hồi COVID-19 của Nikkei tính đến ngày 31/1. (Nguồn: Nikkei Asia).

Trong những tháng gần đây, Campuchia liên tục thăng hạn trên bảng xếp hạng Chỉ số Phục hồi COVID-19 của Nikkei. Trong tháng 1/2022, quốc gia này ghi nhận chưa đến 1.000 ca nhiễm mới và không có ca tử vong do COVID-19 trong vòng một tháng.

Thành công của Campuchia được lý giải là nhờ nỗ lực tiêm chủng, chủ yếu dựa vào nguồn vắc xin do Trung Quốc sản xuất. Đến tháng 11/2021, quốc gia này đã vượt mục tiêu tiêm chủng và Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã công bố việc tái mở cửa đất nước.

Cũng vào thời điểm cuối tháng 11/2021, Campuchia trở thành một trong những quốc gia thành viên đầu tiên của ASEAN miễn quy định kiểm dịch đối với những du khách đã được tiêm chủng vắc xin đầy đủ.

Trong khi đó, Philippines lại tụt 45 bậc, xuống vị trí 104, sau khi biến thể Omicron khiến số ca nhiễm tăng nhanh và gây ra những ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, Nikkei cho biết Philippines vẫn có triển vọng sáng vì đợt bùng phát này đã có tín hiệu bắt đầu thuyên giảm.

Philippines cũng sẽ bắt đầu mở rộng phạm vi tiêm chủng, đặc biệt là đối tượng trẻ em từ 5 - 11 tuổi vào ngày 7/2. Và theo bước chân của Campuchia, Philippines sẽ bắt đầu tiếp nhận khách du lịch nước ngoài đã được tiêm phòng đầy đủ từ 157 quốc gia vào ngày 10/2 tới, mà không yêu cầu cách ly.

Các nước ASEAN khác cũng có thứ hạng cao về Chỉ số Phục hồi COVID-19 là Malaysia (thứ 10), Singapore và Thái Lan (thứ 19). Một trong những lý do khiến các nước này cải thiện thứ bậc là do chính sách nhập cảnh được nới lỏng.

Ở vị trí đầu bảng là Đài Loan (Trung Quốc), với tổng số điểm là 82/100. Đảo này đã mất 6 điểm trong hoạt động khai thác chuyến bay, vì lượng khách quốc tế vẫn giảm 80% trong tháng 1 so với mức trước đại dịch.

Trong khi đó, Trung Quốc tăng một bậc lên vị trí thứ 4, khi nước này chuẩn bị các hoạt động cho Thế vận hội Mùa đông tại Bắc Kinh, khai mạc ngày 4/2. Nikkei cho rằng, các đợt bùng phát dịch kéo dài tại nhiều địa phương và sự xuất hiện của biến chủng Omicron có thể khiến quốc gia này khó duy trì biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt của mình.

Cũng tại khu vực Đông Á, Nhật Bản giảm 55 bậc xuống vị trí 67 trong bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi COVID-19 tháng 1. Lần đầu tiên, hôm 3/2 vừa qua, Nhật Bản ghi nhận hơn 100.000 ca nhiễm mới trong ngày, trong khi tốc độ triển khai tiêm liều vắc xin tăng cường diễn ra khá chậm chạp.

Phương Trang

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.