|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Việt Nam sẽ nhập khoảng 11 tỉ m3 khí hóa lỏng vào 2030

07:03 | 13/09/2019
Chia sẻ
Việt Nam dự kiến nhập 1-4 tỉ m3 khí LNG mỗi năm trong giai đoạn 2021-2025 để bù đắp lượng thiếu hụt khí trong nước cho sản xuất, phát triển điện khí.

Tại hội thảo 'Tiềm năng phát triển thị trường khí Việt Nam' ngày 12/9, ông Đoàn Hồng Hải – Trưởng phòng, Cục Điện lực & Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, hiện có khoảng 7.200 MW điện khí, cung ứng 45 tỉ kWh mỗi năm cho hệ thống điện quốc gia.

Theo quy hoạch điện 7 điều chỉnh, đến năm 2025 Việt Nam sẽ có khoảng 15.000 MW điện khí, chiếm 15,6% tổng công suất các nguồn điện, tương ứng sản xuất 19% tổng sản lượng điện. Con số này sẽ tăng lên 19.000 MW vào năm 2030, tương đương cần 22 tỷ m3 khí, trong đó 50% từ nguồn nhập khẩu khí LNG.

Trong khi đó ông Phùng Văn Sỹ - Vụ Dầu khí, than (Bộ Công Thương) thông tin, bên cạnh nguồn khí trong nước, từ sau 2020 Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí đến 2035, Việt Nam sẽ cần nhập 1-4 tỷ m3 khí LNG mỗi năm trong giai đoạn 2021-2025 và sẽ tăng lên 6-10 tỷ m3 mỗi năm vào sau 2026.

Ông Sỹ giải thích, năm 2019 khả năng cấp khí cho sản xuất điện ở mức 8 tỷ m3, tuy nhiên khả năng cấp khí như hiện tại sẽ chỉ duy trì được đến 2022 và từ 2023 sản lượng khí cấp về bờ sẽ suy giảm và bắt đầu thiếu hụt. Vì vậy, giai đoạn sau 2020 nguồn khí trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu, nên Việt Nam sẽ phải nhập khẩu LNG để bù đắp lượng thiếu hụt và hỗ trợ cho các nhà máy điện khí hiện có.

Ngoài ra, với mức cấp khí từ thượng nguồn và huy động tại hạ nguồn như hiện nay, dự kiến quyền lấy bù khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ hết vào tháng 10/2019. Sau thời điểm cân bằng, khả năng cấp khí của PVN qua đường ống PM3-Cà Mau sẽ chỉ còn một nửa, giảm nhanh từ năm 2023 và ngừng cấp khí từ 2028.

"Nếu không mua được khí từ Malaysia, nguồn cung khí sẽ không đáp ứng được nhu cầu của các hộ tiêu thụ sau khi PVN hết quyền lấy bù vào tháng 10/2019", ông Sỹ nói.

Tuy nhiên, xu hướng giá khí cao và phụ thuộc vào thị trường LNG thế giới, theo ông Sỹ, sẽ là thách thức cho phát triển đồng bộ hạ tầng khí cho thu gom các nguồn khí. Hiện giá trung bình mỗi kWh sử dụng khí lô B khoảng 2.800 đồng, còn sử dụng LNG nhập khẩu khoảng 2.000 đồng (với giá LNG tại nhà máy khoảng 10,5 triệu USD/triệu BTU).

"Hệ thống đường ống mới xây dựng có mức phí cao, nhưng sản lượng khí dự kiến vận hành thấp. Do đó, cần cơ chế, chính sách thuế suất, nhất là giá khí, hợp lý để triển khai các dự án nhập khẩu LNG và kinh doanh phân phối", đại diện Vụ Dầu khí và than bình luận.

Hiện khí thiên nhiên hóa lỏng là nguồn năng lượng sạch đang được xem là một trong những giải pháp quan trọng và xu hướng tất yếu đối với thế giới và Việt Nam trong bối cảnh các nguồn tài nguyên truyền thống (thủy điện, than...) trên đà suy giảm.

Việt Nam theo bước các nước láng giềng để nhập LNG. Năm 2011, Thái Lan là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á nhập khẩu loại nhiên liệu này, khoảng 4 triệu tấn năm 2017. Indonesia, nước từng là nhà xuất khẩu LNG, sẽ bắt đầu nhập khẩu sau năm 2020.

Theo Bloomberg New Energy Finance, nhu cầu LNG toàn cầu đã tăng 8,5% lên 380 triệu tấn trong năm 2018 và dự báo sẽ đạt 450 triệu tấn vào 2030. Châu Á chiếm 86% trong tổng số 167 triệu tấn LNG được tiêu thụ từ năm 2017 đến 2030. Trong đó, Đông Nam Á dự kiến sẽ sử dụng 44 triệu tấn, chỉ sau 61 triệu tấn của Ấn Độ tấn và 53 triệu tấn của Trung Quốc.

Anh Minh