|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Việt Nam rút ra được bài học gì sau vụ việc loạt ngân hàng trên thế giới sụp đổ?

07:31 | 21/03/2023
Chia sẻ
Các chuyên gia cho rằng vấn đề chúng ta có thể rút ra được sau vụ việc của SVB là vấn đề giám sát hệ thống đồng thời đánh giá cao về khả năng điều hành của cơ quan điều hành tiền tệ Việt Nam.

Tại talkshow "Phố tài chính" ngày 20/3, sau việc hai ngân hàng Mỹ mất thanh khoản đặc biệt là vụ việc ngân hàng Silicon Valley (SVB) sụp đổ,  TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Viện phó Viện Quản lý giá, Bộ Tài chính và ông Trần Thăng Long, Giám đốc phân tích Chứng khoán BIDV (BSC), đã có những nhận định về bài học cho Việt Nam để phòng ngừa điều tương tự có thể xảy ra.

Theo quan điểm của ông Trần Thăng Long, những vụ việc như ngân hàng SVB không phải là sự việc cá biệt, tuy nhiên cũng là chỉ báo cho thấy rằng mặc dù chúng ta luôn muốn thị trường tăng trưởng nhanh, nền kinh tế phát triển nhanh nhưng phải luôn đi cùng với việc giám sát hệ thống.

Về những ảnh hưởng đến Việt Nam sau sự đổ vỡ của  ngân hàng Mỹ, ông Long nhận định Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở lớn, là một trong những quốc gia có tỷ lệ xuất nhập khẩu trên GDP thuộc nhóm cao nhất thế giới.

Nếu vụ việc này khiến những khách hàng lớn của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản đi vào tình trạng khó khăn hơn thì cầu của họ suy giảm và ảnh hưởng đến đơn hàng và đến khối FDI trong nước và khối trong nước hoạt động thương mại xuất nhập khẩu.

Hơn nữa, lãi suất của đồng USD gần như là lãi suất chỉ báo cho mọi loại lãi suất trên thị trường. Do đó ông cho rằng trong thời gian tới đây những nhà làm chính sách vẫn sẽ phải quan sát rất kỹ động thái từ những ngân hàng trung ương lớn đặc biệt là Mỹ.

  Ông Trần Thăng Long, Giám đốc phân tích Chứng khoán BIDV (BSC) (Nguồn: Ảnh chụp màn hình).

Đồng quan điểm, TS. Vũ Đình Ánh nhận địnhphản ứng chính sách của phía Mỹ có thể nói là rất nhanh và kịp thời, do đó đã giúp cho thị trường vượt qua cú sốc này có thể nói là rất nhẹ nhàng và vấn đề chúng ta có thể rút ra được là việc giám sát hệ thống.

Ông cho biết trước đó với quy mô tài sản 50 tỷ USD thì đã phải chịu sự giám sát gắt gao của cơ quan quản lý tiền tệ ngân hàng hối đoái của Mỹ, nhưng bắt đầu từ năm 2018 thì Mỹ đã sửa luật và nâng mức đó 5 lần lên 250 tỷ USD nên mới dẫn đến tình trạng như ngân hàng SVB.

Bên cạnh đó, ông cũng đánh giá cao về khả năng điều hành của cơ quan điều hành tiền tệ Việt Nam. Với việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định giảm lãi suất điều hành từ 0,5-1 điểm %, ông cho rằng việc điều hành chính sách của chúng ta cũng có bước đi phù hợp và có dự tính, dự báo.

"Với những ngân hàng nhỏ yếu kém thì chúng ta phải thắt chặt hơn. Những kinh nghiệm thành công hay thất bại từ những vụ việc tài chính ở những thị trường phát triển hơn chúng ta rất nhiều như thị trường Mỹ thì cũng sẽ rất bổ ích cho cơ quan quản lý cũng như bản thân các ngân hàng và các định chế tài chính trong thời gian tới.", chuyên gia nói.

 TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Viện phó Viện Quản lý giá, Bộ Tài chính (Nguồn: Ảnh chụp màn hình).

Về ảnh hưởng của vụ việc tới thị trường chứng khoán, chuyên gia cho rằng mức độ ảnh hưởng ở mức vừa phải, thị trường Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều vào những yếu tố liên quan đến nội tại Việt Nam nhiều hơn.

"Khi những rủi ro về mặt chính sách bắt đầu xuất hiện thì thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua giai đoạn điều chỉnh", ông Ánh chia sẻ.

Nếu xét từ đầu năm 2022 cho đến cuối năm, thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường giảm mạnh nhất thế giới.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, rủi ro của suy thoái kinh tế cũng như rủi ro của những ảnh hưởng bên ngoài đến Việt Nam đã chiết khấu khá nhiều vào thị trường. Chỉ có điều để phục hồi được thế nào thì còn phụ thuộc vào chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa trong nước cũng như sức bật của chính các doanh nghiệp Việt Nam.

"Tôi cho rằng thị trường trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tín hiệu rằng chúng ta có thể chủ động trong việc nới lỏng hay ít nhất là không thắt chặt quá mức chính sách tiền tệ thì chắc chắn là khả năng phục hồi của thị trường chứng khoán trong thời gian tới tôi cho rằng là khá lạc quan", TS Vũ Đình Ánh cho hay.

Huyen Vi

ĐHĐCĐ bất thường Eximbank: Thông qua chuyển trụ sở, miễn nhiệm ông Nguyễn Hồ Nam, bà Lương Thị Cẩm Tú và ông Ngô Tony
Tại đại hội lần này, cổ đông ngân hàng đã thông qua việc chuyển trụ sở từ TP HCM ra Hà Nội, miễn nhiệm thành viên Ban Kiểm soát và hai thành viên HĐQT. Tuy nhiên, ĐHĐCĐ đã không thể thông qua việc sửa đổi điều lệ và chấm dứt đầu tư trụ sở chính ở TP HCM.