Việt Nam nằm trong số những quốc gia châu Á chịu ảnh hưởng lớn nhất sau cú ngã của sàn FTX
Theo một phân tích của CoinGecko, Hàn Quốc là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự sụp đổ của gã khổng lồ tiền điện tử FTX do cựu tỷ phú Sam Bankman-Fried đứng đầu, đứng ở các vị trí tiếp theo vẫn là những quốc gia châu Á khác gồm Singapore và Nhật Bản, theo Tech in Asia.
Nghiên cứu của CoinGecko được phân tích dựa trên lưu lượng truy cập trung bình hàng tháng và chia sẻ lưu lượng truy cập theo từng quốc gia trên FTX, sử dụng dữ liệu từ SimilarWeb trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 10.
Dữ liệu cho thấy Hàn Quốc có tỷ lệ lưu lượng truy cập cao nhất là 6,1%, đại diện cho 297.229 người dùng hàng tháng. Trong khi đó, Singapore chiếm 5% lưu lượng truy cập toàn cầu với 241.675 người dùng hàng tháng, tiếp theo là Nhật Bản với 4,6% lưu lượng truy cập, tương ứng với 223.513 người dùng hàng tháng.
Sau sự sụp đổ của FTX, các quan chức ở Hàn Quốc cho biết họ sẽ soạn thảo đạo luật cơ bản về tài sản kỹ thuật số, một khung pháp lý – dự kiến sẽ được hoàn thiện vào năm 2023 – để điều chỉnh lĩnh vực tiền điện tử của quốc gia.
Theo nghiên cứu, Singapore, nơi Temasek, cơ quan đầu tư thuộc bộ phận đầu tư của chính phủ Singapore, trước đây đã rót tổng cộng 275 triệu USD vào FTX, đã chứng kiến người dùng Binance chuyển sang giao dịch nhiều hơn trên sàn FTX sau khi Binance rút đơn cấp giấy phép hoạt động kinh tiền điện tử trong nước. Với sự sụp đổ của FTX, Temasek đã ghi giảm khoản đầu tư tại FTX của mình xuống 0 USD.
Tại Nhật Bản, quỹ đầu tư SoftBank của tỷ phú Masayoshi Son cũng sẵn sàng để ghi nhận khoản lỗ sau khi đã rót tiền đầu tư cho sàn giao dịch tiền điện tử FTX. Gã khổng lồ trong lĩnh vực đầu tư của Nhật Bản cho biết họ đã rót tổng cộng 100 triệu USD vào FTX.
Các thị trường châu Á khác nằm trong top 30 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự sụp đổ của FTX bao gồm Đài Loan, Ấn Độ, Thái Lan, Hong Kong, Indonesia, Việt Nam và Philippines.
Trước đó, ngày 11/11 sàn giao dịch tiền điện tử FTX của Sam Bankman-Fried đã đệ đơn xin phá sản theo Chương 11 ở Mỹ, theo công bố của FTX đăng trên Twitter. Ông Sam Bankman-Fried (SBF) cũng đã từ chức Giám đốc điều hành và ông John J. Ray III được bổ nhiệm vào vị trí CEO.
Dù từ chức nhưng SBF vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ quá trình chuyển đổi. Alameda Research và khoảng 130 công ty liên kết cũng có liên quan cũng tự nguyện tham gia quá trình thẩm định, đánh giá tài sản để đảm bảo lợi ích của các cổ đông trên toàn cầu.
Tới ngày 19/11, tân CEO FTX cho biết sàn giao dịch tiền điện tử đang tìm cách bán hoặc tái cấu trúc đế chế toàn cầu của mình, bất chấp sự bất đồng ý kiến giữa chính quyền Bahamas và FTX trong hồ sơ tòa án và thông cáo báo chí về việc liệu việc nộp đơn phá sản nên tiến hành ở New York hay ở Delaware, theo CNBC.
“Dựa trên đánh giá của chúng tôi trong tuần qua, chúng tôi rất vui khi biết rằng nhiều công ty con được cấp phép hoặc chịu sự quản lý của FTX, trong và ngoài Mỹ, bảng cân đối kế toán có khả năng thanh toán, quản lý có trách nhiệm và nhượng quyền thương mại có giá trị”, tân CEO FTX John Ray cho biết trong một tuyên bố.
Lãnh đạo FTX nói thêm rằng “ưu tiên” trong những tuần tới là “mở rộng doanh số bán hàng, tái cấp vốn hoặc các giao dịch chiến lược khác liên quan đến công ty con và các công ty liên quan. Tuyên bố của Ray được đưa ra cùng với một loạt hồ sơ vào sáng 19/11 tại tòa án phá sản Delaware.