|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam - Mỹ còn nhiều dư địa và tiềm năng hợp tác song phương

16:20 | 04/07/2020
Chia sẻ
Năm 2020 đánh dấu một phần tư thế kỷ, Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao - một bước tiến mang tính lịch sử và được thế giới cùng nhân dân hai nước kì vọng.
Việt Nam-Mỹ còn nhiều dư địa và tiềm năng hợp tác song phương  - Ảnh 1.

Sản xuất ôtô tại nhà máy của Công ty Ford Việt Nam (liên doanh giữa Tập đoàn ôtô Ford của Mỹ và Công ty Diesel Sông Công). (Ảnh: Trần Việt/TTXVN).

Năm 2020 đánh dấu một phần tư thế kỷ, Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao - một bước tiến mang tính lịch sử và được thế giới cùng nhân dân hai nước kì vọng.

Trong 2 thập kỉ qua, kinh ngạch thương mại song phương đã tăng trưởng đáng kinh ngạc ở mức 7.000%. Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Trong những thành tựu về kinh tế đã đạt được có sự đóng góp công sức của rất nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp Mỹ, đã và đang tích cực hỗ trợ, đầu tư hàng tỉ USD vào Việt Nam.

Hàng trăm dự án hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ đã và đang diễn ra, góp phần hỗ trợ hàng triệu người dân thoát nghèo.

Ghi nhận những thành quả ấy, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng đã có bài trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN về vấn đề này.

- Ông có thể cho biết những thành quả đạt được trong mối quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam-Mỹ trong những năm qua?

Ông Hoàng Quang Phòng: 25 năm qua, quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam Mỹ đã đạt được nhiều bước tiến vượt bậc, đặc biệt là về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ; kể cả giáo dục và đào tạo.

Cộng đồng doanh nghiệp hai bên đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm chính trị của lãnh đạo hai nước đã thực sự  tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kết nối giao thương, phát triển kinh doanh so với thời gian trước.

Đến nay, Mỹ đã trở thành đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Thông qua định chế hợp tác là Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư của Mỹ đã kí kết các văn bản hợp tác kinh doanh, đầu tư với phía Việt Nam; đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu.

Với mức tăng trưởng về kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 7.000% trong 25 năm qua như đã đề cập, chứng tỏ tiềm năng, lợi thế và hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam-Mỹ còn rất nhiều dư địa.

Lợi thế xuất khẩu của phía Việt Nam là các nhóm ngành hàng dệt may, giày dép, thời trang, thủy sản và nhiều lĩnh vực khác nữa. Song song đó, sau biến cố của dịch COVID-19 và xung đột thương mại Mỹ-Trung, Việt Nam đang có cơ hội tiếp nhận làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ…

Đây đang là thời điểm vàng để tăng cường mối quan hệ và sự liên kết giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

- Vậy làm thế nào để Việt Nam và các doanh nghiệp trong nước sẵn sàng tư thế đón nhận làn sóng dịch chuyển đầu tư; trong đó, có các nguồn từ Mỹ, thưa ông?

Ông Hoàng Quang Phòng: Để đón bắt được sự dịch chuyển và làn sóng đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chuẩn bị tâm lí và nâng cấp trình độ quản trị, nâng cấp năng lực về khoa học công nghệ… mới mong hiện thực hóa được cơ hội hợp tác và những kì vọng đặt ra cho nền móng hợp tác phát triển giữa hai quốc gia.

Mới đây, lãnh đạo hai bên đã có thông điệp rõ ràng để tiếp tục duy trì và phát triển mối quan hệ này, Việt Nam và Mỹ đã trở thành đối tác toàn diện.

Việt Nam-Mỹ còn nhiều dư địa và tiềm năng hợp tác song phương  - Ảnh 2.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN).

Hội nghị về Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều kì vừa qua cũng đánh giá rất cao mối quan hệ hợp tác giữa hai bên; trong đó, nổi bật là những nỗ lực nhằm thúc đẩy cải cách và đổi mới nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo đại diện cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư Mỹ tại Việt Nam vẫn bày tỏ quan ngại về những rào cản điều kiện kinh doanh hiện tại, chưa thực sự đáp ứng lòng mong đợi của các nhà đầu tư nước ngoài.

Những điều băn khoăn ấy là hoàn toàn có cơ sở, bởi chính Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đã có những tổng kết về các rào cản thương mại, đầu tư trong hệ thống các văn bản qui phạm pháp luật hiện hành.

Nhiều hội nghị luận bàn về dòng chảy pháp luật, các điều kiện kinh doanh hiện tại để tiếp thu những ý kiến, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị tới Chính phủ và các cơ quan chức năng.

Những động thái này thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ và Nhà nước Việt Nam trong việc thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp ở tất cả mọi thành phần, bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tôi tin tưởng rằng, bất kì ai khi đã quyết định đầu tư vào Việt Nam hoàn toàn có thể yên tâm về 1 môi trường kinh doanh ổn định, sự quyết tâm cao của các nhà lãnh đạo trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nhà đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh để đem lại nhiều lợi ích cho tất cả các bên.

- Ông đánh giá thế nào  về sự chuẩn bị của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay để đón đầu các cơ hội hợp tác đầu tư từ nước ngoài?

Ông Hoàng Quang Phòng: Đón đầu được sự dịch chuyển đầu tư cũng là một trong những cơ hội và triển vọng để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ.

Chính phủ Việt Nam và các cơ quan, ban ngành đang nỗ lực hết sức để hoàn thiện các chính sách pháp luật, chuẩn bị tốt nhất cho hệ thống cơ sở hạ tầng, gỡ bỏ những vấn đề còn tồn đọng, vướng mắc nhằm tăng tính ưu việt của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Với nỗ lực và quyết liệt ấy của chính quyền các cấp, cộng với tâm thế chủ động và sẵn sàng hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, VCCI cũng như đa phần các doanh nghiệp đều bày tỏ sự kì vọng to lớn vào những thành quả hợp tác mà tới đây, hai phía sẽ tập trung nhiều hơn cả nguồn lực và chính sách để nhằm thúc đẩy.

Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Với độ mở của nền kinh tế Việt Nam đạt trên 200 % cho thấy sự sẵn sàng và tâm thế chủ động để đón nhận các cơ hội đầu tư từ ngoài nước.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Thạch Huê