|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 1,81% trong 6 tháng đầu năm

10:29 | 02/07/2020
Chia sẻ
Mặc dù kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm chỉ đạt mức tăng trưởng 1,81%, nhưng đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Ngày 2/7, Chính phủ tổ chức Hội nghị với các địa phương đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam trong quí II và 6 tháng đầu năm 2020, Tổng cục Thống kê cho biết, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quí II/2020 ước tính tăng 0,36% so với cùng kì năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất của quí II các năm trong giai đoạn 2011-2020 do quí II/2020 chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19. 

Kinh tế 6 tháng đầu năm chỉ đạt mức tăng trưởng 1,81%, thấp nhất 10 năm qua nhưng trong bối cảnh hiện nay, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên thoát ra khỏi dịch bệnh, thiết lập trạng thái bình thường mới.

Ảnh hưởng dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng dương - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. (Ảnh VGP/Quang Hiếu).

Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Xuất siêu đạt mức 4 tỉ USD, trong đó xuất khẩu khu vực trong nước đạt khá cao, lên đến 11,7%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2020 theo giá hiện hành ước đạt 850,3 nghìn tỉ đồng, tăng 3,4% so với cùng kì năm 2019 và bằng 33% GDP. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 2,71%.

Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ. Khu vực dịch vụ trong 6 tháng đạt mức tăng thấp nhất của cùng kì các năm 2011-2020.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quí II/2020 giảm 5,8% so với quí trước; 6 tháng đầu năm ước giảm 0,8% so với cùng kì năm 2019. Khách quốc tế đến nước ta ước đạt 3.744.500 lượt người, giảm 55,8% so với cùng kì.

Cả nước có hơn 62.000 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng kí là 697,1 nghìn tỉ đồng và tổng số lao động đăng kí là 507.200 lao động, giảm 7,3% về số doanh nghiệp, giảm 19% về vốn đăng kí và giảm 21,8% về số lao động so với cùng kì năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm, có 25.200 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 16,4% so với cùng kì năm 2019.

Trong thời gian tiếp theo, Tổng cục Thống kê đề xuất, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 và tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiếp tục cải cách qui trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời.

Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, qui mô lớn, có sức lan tỏa.

Thứ ba, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, không để phát sinh ổ dịch mới; khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi lớn, có kĩ thuật, kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh đẩy nhanh tiến độ và qui mô tái đàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và giảm giá thịt lợn góp phần kiểm soát lạm phát.

Thứ tư, kích cầu đầu tư trong khối doanh nghiệp sản xuất cho xuất khẩu để chủ động nguồn hàng khi thị trường các nước trên thế giới mở lại bình thường và tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam có hiệu lực từ tháng 8/2020.

Thứ năm, điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỉ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thứ sáu, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân.

Mai Anh