'Việt Nam muốn thúc đẩy hợp tác thương mại với Trung Quốc nhưng sẽ bảo vệ lợi ích của mình'
Trao đổi với Nikkei Asian Review bên lề cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sỹ hôm 24/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố rằng “Trung Quốc là láng giềng và là bạn bè của chúng tôi” và rằng Hà Nội sẽ “cố gắng giải quyết mọi vấn đề với Bắc Kinh” để hai nước có thể mở rộng quan hệ thương mại.
Tuy nhiên, về vấn đề toàn vẹn lãnh thổ, ông Phúc cho biết Việt Nam sẽ “bảo vệ lợi ích và chủ quyền hợp pháp của nước mình”, ngay cả khi tăng cường quan hệ kinh tế. Yêu sách của Trung Quốc đối với các đảo và vùng biển ở Biển Đông đi ngược lại những khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Về vấn đề đối nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thừa nhận rằng chính sách căn bản trong cải cách doanh nghiệp nhà nước cần phải được tăng tốc để mang lại lợi ích cho nền kinh tế. Ông Phúc chỉ ra một số thành công trong việc kêu gọi đầu tư nước ngoài vào ngành ngân hàng và các lĩnh vực nhà nước khác, nhưng nói rằng “Tôi đồng ý rằng quá trình này cần phải diễn ra nhanh hơn”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem Trung Quốc là "một người bạn" bên lề cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2019, nhưng vẫn nhấn mạnh Việt Nam sẽ "bảo vệ lợi ích và chủ quyền hợp pháp của nước mình". Ảnh: TTXVN |
Trong phiên đối thoại, ông Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách doanh nghiệp nhà nước cũng như việc bán cổ phần tại các doanh nghiệp này. Chính sách trên không chỉ tìm cách cải thiện hiệu quả vốn tư nhân trong và ngoài nước mà còn mang một sứ mệnh quan trọng trong “giám sát và giảm tham nhũng”.
Trên thực tế, Hà Nội đã chậm tiến độ cải cách và sẽ bỏ lỡ mục tiêu 5 năm trong việc cắt giảm số lượng doanh nghiệp 100% vốn nhà nước từ 583 năm 2016 xuống 103 năm 2020. Tuy nhiên, con số này vẫn trên 500 vào cuối năm 2018.
Những bình luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được đưa ra vào thời điểm Hà Nội tìm mọi cách để bảo vệ nền kinh tế khỏi ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng như tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chững lại. Việc nền kinh tế Trung Quốc chậm lại đang gây tổn thất lớn đối với tất cả nước láng giềng của Trung Quốc, đặc biệt là Việt Nam, vì mối quan hệ giữa hai nước vốn đã phức tạp bởi vấn đề Biển Đông.
Nhìn bề ngoài, Việt Nam có quan hệ thân thiện với Trung Quốc. Ngày 22/1, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ sẵn sàng củng cố và phát triển tình hữu nghị với đại sứ Trung Quốc mới được bổ nhiệm, ông Hùng Ba, theo phát ngôn viên Tân Hoa Xã.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ và các khoản đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam đang tăng mạnh. Việt Nam đã gặt hái những thành công bước đầu do hiệu ứng của chiến tranh thương mại, khiến các công ty đa quốc gia di dời nhà máy đến Việt Nam. Tuy nhiên, sự chững lại của Trung Quốc cũng đang bắt đầu ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.
Ông Gareth Leather, chuyên gia cao cấp về kinh tế châu Á tại Capital Economics, viết vào ngày 22/1 rằng “Tăng trưởng chậm lại tại Trung Quốc đang đè nặng lên ngành xuất khẩu của các quốc gia châu Á khác, và sự chững lại của kinh tế Trung Quốc là một trong những rủi ro lớn nhất phủ bóng đen lên triển vọng của khu vực châu Á”. Ông đặc biệt nhấn mạnh vào Việt Nam và Đài Loan vì hai nền kinh tế này có mối quan hệ thương mại gần gũi với Trung Quốc.