Diễn đàn Davos 2019: Oxfam kêu gọi đánh thuế cao vào giới siêu giàu trên toàn cầu
Logo của Oxfam (Nguồn: Getty Images) |
Trong một báo cáo được công bố hôm nay 21/1, tổ chức từ thiện này tiết lộ rằng tài sản của các tỉ phú đã tăng 2,5 tỉ USD mỗi ngày trong năm 2018 (tăng 12% cả năm) trong khi tài sản của 50% những người nghèo nhất thế giới lại giảm 11%.
Báo cáo có tiêu đề “Lợi ích công cộng hay của cải tư nhân” trên xuất hiện vào thời điểm các đại biểu đang tập trung tại Davos, Thụy Sĩ, để tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Kêu gọi tăng thuế trên toàn cầu
Chính phủ các nước đang thúc đẩy sự bất bình đẳng bằng cách cắt giảm ngân sách cho dịch vụ công trong khi các tập đoàn và người siêu giàu bị đánh thuế quá thấp. Oxfam cũng cáo buộc chính phủ cũng không kiểm soát được việc trốn thuế.
Trong khi cứ hai ngày thế giới lại chứng kiến một tỉ phú mới “ra lò”, Oxfam cho biết mức thuế được áp cho những cá nhân này đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỉ.
Theo báo cáo, tăng 0,5% thuế đối với 1% những người giàu nhất thế giới sẽ quyên góp đủ tiền để giáo dục 262 triệu trẻ em cũng như cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe giúp cứu sống 3,3 triệu người.
Tuy nhiên, các loại thuế như thế lại bị cắt giảm hoặc loại bỏ ở các quốc gia giàu có và hầu như không được thực hiện ở các nước đang phát triển, Oxfam nói. Thuế suất thu nhập doanh nghiệp tại những quốc gia giàu có đã giảm từ 62% năm 1970 xuống 38% năm 2013 và tỉ lệ trung bình ở các nước nghèo hiện nay ở mức 28%.
Oxfam còn lưu ý rằng ở một số quốc gia, chẳng hạn như Brazil, 10% những người nghèo nhất đang phải trả tỉ lệ thuế thu nhập cao hơn so với 10% những người giàu nhất.
Chính phủ các nước “phải thay đổi”
Bà Winnie Byanyima, giám đốc điều hành của Oxfam International, nói rằng những người có thẩm quyền cần phải đánh giá lại hệ thống của họ nhằm giải quyết vấn đề đói nghèo và bất bình đẳng.
“Chính phủ các nước phải thay đổi thật sự bằng cách đảm bảo các tập đoàn và những cá nhân giàu có đóng thuế công bằng và đầu tư số tiền này vào chăm sóc sức khỏe và giáo dục để đáp ứng nhu cầu của mọi người, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em khi nhu cầu của họ thường bị bỏ qua”, bà Byanyima phát biểu trong một thông cáo báo chí hôm 21/1.
“Việc con bạn có thể cắp sách đến trường bao nhiêu năm hay bạn có thể sống được bao lâu không nên phụ thuộc vào túi tiền của bạn, nhưng đáng buồn là đây lại là thực tế tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong khi các tập đoàn với giới siêu giàu hưởng mức thuế thấp, hàng triệu cô gái bị khước từ một nền giáo dục đàng hoàng và phụ nữ đang chết mòn vì thiếu chăm sóc thai sản”.
Khoảng 100.000 người chết mỗi ngày bởi họ không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chi phí phải chăng, theo Oxfam. Trẻ em tại các nước đang phát triển có khả năng chết trước 5 tuổi cao gấp hai lần nếu chúng sinh trưởng trong một gia đình nghèo, trong khi trẻ em của gia đình giàu có được đến trường với thời gian dài gấp đôi trẻ em nghèo.
Xem thêm |