|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

\"Việt Nam mất khoảng 2 tỷ USD/năm do phân bón giả\"

17:29 | 28/09/2016
Chia sẻ
Tình hình sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn đang gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Việt Nam, tính ra mỗi năm mất đi khoảng 2 tỷ USD. Mặc dù thiệt hại khá cao nhưng chế tài xử phạt đối với những doanh nghiệp làm giả, làm nhái này lại đang như “gãi ghẻ”.

Đó là nhận định của ông Nguyễn Như Cường, Phó Tổng Cục trưởng Cục trồng trọt tại Hội thảo Quốc gia "Lập lại thị trường phân bón Việt Nam", sáng ngày 28/9.

Thống kê của Hiệp hội Phân bón cả nước có từ 800 đến1.000 cơ sở sản xuất mặt hàng phân bón. Trong đó, gần 50% số mẫu phân bón được kiểm tra không đạt chỉ tiêu chất lượng như đăng ký, công bố trên bao bì. Các đối tượng lợi dụng kẽ hở quy định pháp luật về tổng chất lượng dinh dưỡng, mập mờ hàm lượng trên vỏ bao bì... gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng.

Theo các con số điều tra chưa đầy đủ trong các năm qua được Hiệp hội Phân bón Việt Nam cung cấp, cả nước có 63 công ty, tổ hợp sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, bán ra trên 48 tỉnh thành.

Điển hình như: Công ty TNHH Việt Thái (Đồng Nai) đăng ký chất lượng dinh dưỡng trên giấy phép và bao bì NPK hàm lượng dinh dưỡng 53%, nhưng kiểm định tổng hàm lượng dinh dưỡng chỉ có 7,2%. Công ty CP Quốc tế Đông Trung đa yếu tố (Lâm Đồng) đăng ký hàm lượng trên giấy phép và bao bì NPK 53%, nhưng khi kiểm tra tổng hàm lượng dinh dưỡng chỉ có 8,2%….

Theo kết quả giám định mẫu tại Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, thành phần chính trong phân NPK tổng hàm lượng dinh dưỡng chỉ có 1,9%, còn lại là… bột đá vôi.

viet nam mat khoang 2 ty usdnam do phan bon gia
Phân bón giả gây thiệt hại cho kinh tế Việt Nam (Ảnh: Danviet.vn)

“Thị trường phân bón trong nước sản xuất tự phát, nơi nào làm được thì cứ làm, chưa có một cuộc cách mạng lập lại trật tự. Sản phẩm giả không chỉ xuất hiện trong cơ sở sản xuất phân bón, đại lý kinh doanh mà còn len lỏi vào cả phòng kiểm nghiệm, kiểm định”, ông Nguyễn Hạc Thuý, Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón nhận định.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phân bón lớn còn phải đối mặt với tình trạng phân bón rẻ đang ồ ạt vào Việt Nam. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, 9 tháng đầu năm nay, khối lượng phân đạm URE nhập khẩu ước đạt 443.000 tấn với giá trị 103 triệu USD, tăng 58,8% về khối lượng và 16,5% về giá trị so với cùng kỳ. Ngược lại, so với năm trước, phân SA ước đạt 754.000 tấn với giá trị nhập khẩu đạt 91 triệu USD, giảm 3,8% về khối lượng và giảm 18,5%.

Hiện nguồn nhập khẩu phân bón chủ yếu vẫn đến từ Trung Quốc, chiếm 41,5% tổng khối lượng nhập khẩu mặt hàng này. Tiếp đến là các thị trường Malaixia, Israen, Indonesia.

Báo cáo của Hiệp hội phân bón Việt Nam cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, một số doanh nghiệp phân bón bị thiệt hại nặng nề.Trong đó, nhà máy Đạm Ninh Bình công suất 550.000 tấn một năm đã phải giảm công suất xuống xuống 150.000 tấn. Công ty Super Lâm Thao trước đây mỗi ngày bán 3.000 tấn nay giảm xuống 2.000 tấn. Công ty Phân đạm Hà Bắc cũng bị giảm 40% công suất, giá bán giảm 20%.

Hồng Vũ