|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Việt Nam luôn chào đón dòng vốn ngoại

15:00 | 12/04/2018
Chia sẻ
Tính đến ngày 20/3/2018, Hàn Quốc đang là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư là 59 tỷ USD...
viet nam luon chao don dong von ngoai Bị siết tín dụng, doanh nghiệp địa ốc tăng cường IPO, M&A để thu hút vốn ngoại
viet nam luon chao don dong von ngoai UBGSTC: Cần giám sát dòng vốn ngoại, tiềm ẩn rủi ro đảo chiều ở thị trường chứng khoán
viet nam luon chao don dong von ngoai
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước

Gần đây, nhà đầu tư Hàn Quốc gia tăng sự hiện diện khi đầu tư vào một số công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, doanh nghiệp niêm yết Việt Nam. Trước thềm Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc dự kiến diễn ra từ ngày 16/4 -20/4, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước xung quanh câu chuyện thu hút vốn từ xứ sở kim chi.

Năm 2017, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến dòng vốn nước ngoài vào ròng cao nhất từ trước đến nay. Trong xu hướng tích cực đó, dòng vốn đến từ Hàn Quốc đóng góp với tỷ lệ bao nhiêu, thưa ông?

Năm 2017, thị trường chứng khoán tiếp tục là điểm đến hấp dẫn thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Tổng giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài cuối năm 2017 đạt 32,9 tỷ USD (tăng trên 90% so với cuối năm 2016).

Riêng trong 3 tháng đầu năm 2018, dòng vốn đầu tư gián tiếp vẫn tiếp tục vào ròng và giá trị danh mục đầu tư của nước ngoài đến cuối tháng 3/2018 đạt 37,6 tỷ USD, tăng thêm 14% so với cuối năm 2017. Mặc dù chưa xứng với tiềm năng nhưng chúng tôi vui mừng nhận thấy đầu tư gián tiếp của các nhà đầu tư Hàn Quốc đang tăng mạnh.

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự tham gia của 4.846 nhà đầu tư Hàn Quốc. Hiện có 5 công ty chứng khoán có vốn đầu tư Hàn Quốc gồm: Công ty chứng khoán Korea Investment & Securities, Công ty chứng khoán Mirae Asset Daewoo, Công ty chứng khoán Shinhan Investment, Công ty chứng khoán KB Securities và Công ty chứng khoán Woori.

Các công ty chứng khoán này đã và đang cùng các ngân hàng thương mại và cùng đại diện công ty quản lý quỹ của Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc bắc cầu cho dòng vốn đầu tư gián tiếp của Hàn Quốc vào Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Ngoài ra, phía Hàn Quốc đang có một số dự án hợp tác quan trọng với Việt Nam trong lĩnh vực chứng khoán.

Tại Việt Nam, 2 Sở Giao dịch Chứng khoán tại Việt Nam và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đang nỗ lực cải tiến hệ thống công nghệ với sự giúp sức từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc.

Chúng tôi đang trao đổi với Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Hàn Quốc - KOFIA về việc ký Biên bản hợp tác liên quan đến công nghệ tài chính.

Với kết quả nói trên, rõ ràng nhà đầu tư Hàn Quốc đang rất tin tưởng vào thị trường Việt Nam. Để có được kết quả này, xin Chủ tịch chia sẻ quan điểm thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam?

Với việc xác định dòng vốn nước ngoài rất quan trọng trong quá trình phát triển nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam và Bộ Tài chính đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp.

Thông qua việc hoàn thiện hệ thống các nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt các định chế đầu tư chuyên nghiệp như các quỹ đầu tư, cho phép hình thành và hoạt động các loại hình quỹ đầu tư theo thông lệ quốc tế như quỹ đóng, quỹ mở, quỹ thành viên, công ty đầu tư chứng khoán (quỹ dạng pháp nhân), quỹ đầu tư bất động sản và quỹ hoán đổi danh mục (ETF).

Gỡ bỏ giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với các ngành nghề không có điều kiện theo Nghị định 60/2015/NĐ-CP; cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư không hạn chế vào trái phiếu; giảm thiểu thủ tục hành chính cho nhà đầu tư nước ngoài khi cấp mã số giao dịch và triển khai cấp mã số giao dịch trực tuyến cho nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam theo quy định tại Thông tư 123/2015/TT-BTC; đẩy mạnh hoạt động công bố thông tin bằng tiếng Anh đối với cơ quan quản lý và doanh nghiệp niêm yết.

Công tác tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước thông qua cổ phần hóa và thoái vốn cũng đã được Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh, tạo ra nguồn hàng hóa có chất lượng cho thị trường chứng khoán.

Theo đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện như tiếp tục giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước đối với các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa và gắn cổ phần hóa với niêm yết, đăng ký giao dịch tập trung trên thị trường chứng khoán.

Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Nhà nước đầu ngành, tổng công ty lớn đã thực hiện cổ phần hóa và niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, mức độ quan tâm và tìm kiếm các cơ hội đầu tư của giới đầu tư nước ngoài (trong đó có nhiều nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc) vào các đợt IPO các doanh nghiệp Nhà nước lớn của Việt Nam đã gia tăng.

Như ông vừa nói, sự hiện diện của dòng vốn Hàn Quốc đã gia tăng rất mạnh trong thời gian qua nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Để thúc đẩy dòng vốn quan trọng này mạnh hơn nữa, ở góc độ cơ quan quản lý trực tiếp thị trường chứng khoán, Ủy ban chứng khoán Nhà nước sẽ có những đề xuất gì?

Hoạt động đầu tư tài chính của nhà đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam tuy có sự tăng mạnh trong một năm qua nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Tuy nhiên, cơ hội từ Việt Nam đang rộng mở và nhà đầu tư Hàn Quốc không nên bỏ qua thời điểm này.

Trong thời gian tới, nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển của Việt Nam là rất lớn, vì vậy thị trường chứng khoán Việt Nam phải phát triển mạnh hơn nữa để đảm nhận vai trò cung cấp vốn trung và dài hạn chủ đạo cho nền kinh tế.

Về phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chúng tôi sẽ nỗ lực thu hút hơn nữa dòng vốn ngoại đầu tư gián tiếp vào Việt Nam với 6 giải pháp chính.

Một là, xây dựng một thị trường chứng khoán hoạt động ổn định, an toàn, công bằng, công khai, hiệu quả, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư, tôn trọng các quy luật thị trường; từng bước hội nhập với thị trường chứng khoán các nước trong khu vực và quốc tế.

Hai là, tiếp tục đẩy nhanh việc niêm yết các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa có quy mô lớn trên thị trường chứng khoán và giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước để tăng tính hấp dẫn.

Ba là, tiếp tục đẩy nhanh việc niêm yết các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa có quy mô lớn trên thị trường chứng khoán và giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước để tăng tính hấp dẫn.

Bốn là, đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường chứng khoán (covered warrant, hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ, hợp đồng quyền chọn, các bộ chỉ số chứng khoán mới...) nhằm đảm bảo nhà đầu tư nước ngoài có nhiều cơ hội đầu tư, nhiều sản phẩm đầu tư phù hợp với nhu cầu và thời hạn đầu tư.

Năm là, tiếp tục thực hiện giải pháp nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ nhóm các thị trường chứng khoán cận biên lên nhóm các thị thị trường chứng khoán đang phát triển trên bảng MSCI nhằm nâng cao vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Sáu là, tăng cường mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan quản lý Hàn Quốc gặp gỡ, trao đổi tại Hàn Quốc/Việt Nam nhằm tìm hiểu nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư Hàn Quốc, trên cơ sở đó, hai bên sẽ cùng xây dựng các giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư Hàn Quốc khi đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Lan Hương