|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam đang được biết đến như thế nào?

07:55 | 19/07/2019
Chia sẻ
Cũng như doanh nghiệp, mỗi quốc gia cũng cần đầu tư và xây dựng thương hiệu của riêng mình. Tuy nhiên, vấn đề này có lẽ chưa được quan tâm đúng mức tại Việt Nam.
Việt Nam đang được biết đến như thế nào? - Ảnh 1.

Dường như các doanh nghiệp Việt Nam đang đi ngược với xu hướng chung của các nước khác. Ảnh minh họa Thành Hoa

Chưa có quy chuẩn cho hàng Việt

Singapore, Thái Lan và Indonesia đều đã xây dựng các chương trình quảng bá từ đất nước cho đến con người, giáo dục rồi cả môi trường pháp lý trên các kênh truyền hình quốc tế nổi tiếng như CNN hay Bloomberg. Điều đó cho thấy thương hiệu vô cũng quan trọng, không chỉ đối với mỗi doanh nghiệp mà còn cả ở quy mô quốc gia.

Trong thời gian gần đây, nhiều sản phẩm của Việt Nam liên tục phải đối mặt với rủi ro pháp lý khi mà nguồn gốc xuất xứ không thật sự rõ ràng.

Các vụ việc đều có chung một nguyên nhân. Đó là do hàng hóa được sản xuất phần lớn tại nước ngoài nhưng khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) lại được gắn thương hiệu Việt Nam. Trong bối cảnh này, Bộ Công Thương mới đây thừa nhận rằng hiện nay vẫn chưa có quy định hàng hóa như thế nào thì được gọi là của Việt Nam.

Nền kinh tế gia công bắt đầu lộ diện

Việc Việt Nam liên tục bị các đối tác kiện vì lý do trên không chỉ khiến cho giá trị của sản phẩm sụt giảm mà uy tín quốc gia cũng bị tác động tiêu cực. Tuy nhiên, cái đáng lo ngại hơn chính là việc nền kinh tế Việt Nam đang bộc lộ bản chất thật của mình. Đó là một nền kinh tế mà phần lớn sản phẩm là gia công, đóng góp của người Việt Nam vào chính sản phẩm đang được ghi là sản xuất tại Việt Nam không nhiều, thậm chí rất ít.

Thực trạng này, về dài hạn, sẽ khiến cho Việt Nam luôn phải đối mặt với sự mất cân đối về cung cầu về ngoại tệ một khi các sản phẩm tiêu dùng trong nước cũng đều phải đi nhập khẩu từ nước ngoài.

Trong xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) thì nguồn lực đang được phân bổ một cách tối ưu nhất. Theo đó, nhiều nước có thể sẽ cùng tham gia vào chuỗi giá trị (value chain) của một sản phẩm hay dịch vụ, hay nói đơn giản hơn là nhiều quốc gia có thể cùng tham gia vào việc sản xuất ra một sản phẩm. Tuy nhiên, dường như các doanh nghiệp Việt Nam lại đang đi ngược với xu hướng chung của các nước khác.

Điện thoại Samsung, mặc dù sản phẩm phần lớn đang được ghi là sản xuất tại Việt Nam hay Ấn Độ, nhưng chắc chắn ai cũng biết rằng đó là trí tuệ, là thương hiệu của Hàn Quốc. Họ chỉ chuyển phần rất nhỏ trong giá trị của chiếc điện thoại (lắp ráp và đóng gói) sang các nước khác để tối ưu chi phí sản xuất.

Tương tự đó là câu chuyện về chiếc điện thoại của Apple, mặc dù gần như toàn bộ đều đang được sản xuất tại Trung Quốc nhưng ai cũng hiểu rằng đó là thương hiệu của Mỹ. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn hiện nay là nhập khẩu rồi về đóng gói và phân phối ra thị trường.

Cần thiết định vị lại thương hiệu cho hàng Việt

Nhắc tới Trung Quốc, mọi người có lẽ đều biết rằng đó là nơi có thể sản xuất được mọi sản phẩm, với đủ mức độ chất lượng khác nhau vì Trung Quốc vốn đã, đang và tiếp tục được xem là công xưởng của thế giới. Thái Lan, đó là quốc gia rất phát triển về các ngành công nghiệp phụ trợ, nơi mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đóng góp giá trị rất lớn trong cơ cấu GDP. Malaysia, một quốc gia mạnh về ngành công nghiệp chế tạo các linh kiện điện tử kỹ thuật cao. Singapore, trung tâm tài chính của khu vực, là cửa ngõ để các nước phương Tây thâm nhập vào thị trường châu Á.

Vậy, Việt Nam đang được biết đến như thế nào? Câu trả lời nhanh và dễ nhất có lẽ là một nước xuất khẩu gạo lớn của thế giới hay là nước có nhiều doanh nghiệp lớn đang đầu tư như Samsung, LG, Canon, ABB... Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại như vậy thì khát vọng về một Việt Nam hùng cường sẽ là rất xa vời.

Các nền kinh tế hùng cường như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan đều lấy ngành công nghiệp làm gốc, làm bàn đạp để thúc đẩy cả nền kinh tế phát triển. Do đó, chúng ta cũng không thể nằm ngoài xu hướng chung đó của lịch sử. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đã chỉ ra rằng không nhất thiết Việt Nam phải lập lại con đường giống như họ.

Hãy bắt đầu từ những sản phẩm, dịch vụ nhỏ, đơn giản nhưng được sản xuất bởi trí tuệ của người Việt Nam và chất lượng ngang tầm thế giới. Trước mắt, đó có thể là lĩnh vực công nghệ thông tin mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã khởi xướng với thông điệp “Make in Việt Nam”. Sau đó, có thể là những sản phẩm nông nghiệp được sản xuất với quy mô công nghiệp và áp dụng công nghệ tiên tiến của chính người Việt.

Ngọc Khanh