|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam đang đứng ở đâu trong công cuộc khai thác dữ liệu trị giá 430 tỉ USD?

22:00 | 22/08/2017
Chia sẻ
Công nghệ khai thác, phân tích dữ liệu bùng nổ trong tiến trình chuyển đổi kĩ thuật số đang tạo ra những giá trị lên đến hàng trăm tỉ USD.
viet nam dang dung o dau trong cong cuoc khai thac du lieu tri gia 430 ti usd
Trình diễn về khai thác dữ liệu số hóa tại sân bay (ảnh: PK).

Đây là con số dẫn nguồn từ Cty nghiên cứu thị trường IDC được hãng công nghệ SAP công bố tại Hội nghị nhà sáng tạo khu vực Châu Á được tổ chức tại TPHCM ngày 22.8.

Bà Kathleen Muller – Giám đốc Bộ phận giải pháp và phân tích thông tin của SAP khu vực Đông Nam Á - khẳng định: Trong thời đại chuyển đổi sang quá trình số hóa hiện nay, dữ liệu chính là nguồn tài nguyên vàng và công nghệ khai thác, phân tích dữ liệu phục vụ cho quá trình ra quyết định chính là chìa khóa biến dữ liệu thành vàng.

Theo IDC, từ nay đến năm 2020, các tổ chức biết triển khai các giải pháp công nghệ khai thác và phân tích dữ liệu phục vụ cho việc nâng cao lợi ích và năng suất lao động tương ứng với giá trị 430 tỉ USD trên toàn cầu. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có vài phần trăm tổ chức hoàn tất quá trình chuyển sang số hóa.

Một con số khác cũng được đề cập tại hội nghị là Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã đề xuất một khoản đầu tư trị giá khoảng 8.000 tỉ đồng (tương đương 363 triệu USD) cho chương trình mục tiêu phát triển CNTT từ năm 2016-2020. Trong đó, quá trình chuyển đổi sang kĩ thuật số được đặt ra ưu tiên, đơn cử như chuyển đổi từ sử dụng các văn bản, hóa đơn, chứng từ giấy sang điện tử sẽ giúp tổ chức, doanh nghiệp tiết giảm được nhiều chi phí và tiến trình triển khai cũng nhanh chóng hơn.

Một vài con số được ông Trương Khánh Vân – Phó tổng giám đốc Cty nệm Vạn Thành - chia sẻ, sau khi áp dụng giải pháp sáng tạo kĩ thuật số OneSystem, vạn Thành đã tăng trưởng được doanh thu 22%, giảm thời gian trùng bình hoàn tất một đơn hàng 38%, cắt giảm chi phí hàng tồn kho được 17%...

Chuyển đổi kĩ thuật số (Digital Transformation) đang gắn với xu thế Internet vạn vật (IoT) và Công nghiệp 4.0 gần đây được phổ cập mạnh tại Việt Nam và Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ban ngành (Chỉ thị 16/CT-TTg) tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 từ nay đến năm 2020; xây dựng đề án “Hệ Tri thức Việt số hoá”.

Diệu Tiên