|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Việt Nam đã có nhà máy sản xuất ô tô đầu tiên nhưng nhiều lực cản lớn vẫn đang kìm hãm ngành cơ khí tăng trưởng

15:51 | 19/06/2019
Chia sẻ
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cơ khí Việt Nam hiện đạt trên 16 tỉ USD, các doanh nghiệp dần làm chủ một số công nghệ mới, từng bước thay thế sản phẩm nhập khẩu, tuy nhiên, ngành hàng này vẫn còn nhiều khó khăn đang cản trở tiềm năng phát triển.

5 hạn chế cản trở ngành cơ khí Việt Nam

Tại buổi công bố thông tin Triển lãm Quốc tế lần thứ 17 về máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại (MTA Vietnam 2019) tổ chức ngày 18/6 tại TP HCM, ông Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết hiện nay một số doanh nghiệp trong ngành đã có những tiến bộ trong hoạt động, nhiều sản phẩm trước đây phải nhập khẩu đến nay từng bước được thay thế, dây chuyền sản xuất trong các nhà máy được đồng bộ.

"Điển hình như Công ty Ô tô Trường Hải là doanh nghiệp khép kín từ nghiên cứu phát triển sản phẩm, sản xuất đến hệ thống bán lẻ, đạt tỉ lệ nội địa hóa cao nhất Việt Nam với thị phần xấp xỉ 40%.

Đặc biệt ngày 14/6 vừa qua Tập đoàn Vingroup đã chính thức khánh thành đưa Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast tại Hải Phòng vào vận hành. Đây là nhà máy sản xuất ô tô đầu tiên của Việt Nam sẽ giúp công nghiệp ô tô Việt tự chủ sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu", ông Đà thông tin.

88c581cd459fa1c1f88e1

Ông Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại buổi công bố thông tin Triển lãm MTA Vietnam 2019 tổ chức ngày 18/6 tại TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh.

Tuy nhiên, theo Báo cáo về Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam Bộ Công thương cho biết có đến 5 hạn chế lớn đang cản trở ngành cơ khí Việt Nam.

Thứ nhất, ngành cơ khí tuy đa dạng về sản phẩm, nhưng khó mở rộng được thị trường do năng lực cạnh tranh chưa đủ mạnh. Ngay tại thị trường nội địa, các doanh nghiệp cũng khó tham gia được vào các dự án đầu tư lắp đặt trang thiết bị ngành thép, hóa chất, năng lượng, do thiếu hệ thống kiểm định chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.

Các doanh nghiệp, sản phẩm cơ khí trong nước cũng như chưa xây dựng được thương hiệu và được nhiều khách hàng biết đến.

Thứ hai, ngành cơ khí có rất ít các phát minh, sáng chế được đăng kí, thiết bị và trình độ công nghệ toàn ngành nhìn chung còn chậm đổi mới. Bên cạnh đó, hàng rào kĩ thuật trong lĩnh vực cơ khí của Việt Nam vẫn chưa phát triển đủ mạnh để bảo về người tiêu dùng trong nước trước hàng nhập khẩu có chất lượng không phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam.

Thứ ba, nguyên phụ liệu cho ngành chủ yếu là sắt thép và các loại hợp kim màu hầu hết phải nhập khẩu; nhân lực còn thiếu và yếu cả về số lượng và chất lượng; lực lượng nghiên cứu triển khai chưa cao;… cũng là những hạn chế làm cản trở ngành cơ khí phát triển.

Thứ tư, nhân lực ngành cơ khí nhìn chung còn thiếu và yếu cả về số lượng và chất lượng. Số thợ cơ khí tay nghề cao còn hạn chế, lực lượng nghiên cứu triển khai, nhất là lực lượng thiết kế chưa có trình độ cao, đáp ứng các yêu cầu của công trình, dự án về thiết bị cơ khí đồng bộ.

"Và cuối cùng, Hiệp hội ngành nghề chưa thu hút được sự tham giá của các doanh nghiệp cơ khí và chưa liên kết chặt chẽ được các doanh nghiệp", ông Đà nhấn mạnh.

Chủ động đổi mới, bắt kịp xu hướng để tận dụng cơ hội phát triển

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa hiện nay, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị: "Cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp cần phát huy mọi lợi thế tận dụng cơ hội để phát triển, từ đó thúc đẩy phát triển ngành cơ khí, cơ khí chế tạo".

Đồng quan điểm, ông BT Tee, Tổng giám đốc Công ty Informa, cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 đã không còn là một xu hướng mới mẻ, mà đã được định hình và phát triển trên toàn cầu.

"Cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là thách thức vừa là cơ hội để Việt Nam có thể tận dụng trong xử lí những vấn đề lớn về phát triển kinh tế và tái cơ cấu ngành công nghiệp, đòi hỏi ngành công nghiệp sản xuất và cơ khí chế tạo phải phát triển hướng đến sự bền vững, cũng như tăng hàm lượng đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần có tâm thế vững vàng và chủ động cho sự đổi mới này và bắt kịp xu hướng máy móc, thiết bị, công nghệ 4.0", ông BT Tee chia sẻ.

fc91299aedc8099650d9

Ông BT Tee, Tổng giám đốc Công ty Informa, đại diện đơn vị tổ chức chia sẻ các thông tin của triển lãm MTA Vietnam 2019. Ảnh: Như Huỳnh

Theo đó, ông Phạm Xuân Đà cho rằng MTA Vietnam 2019 sẽ tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước ứng dụng những máy móc, thiết bị, công nghệ thông minh trong dây chuyền sản xuất kinh doanh

"Đây là thời điểm mà doanh nghiệp Việt Nam cần có những bước đi chiến lược và đầu tư bài bản, nhằm phát triển bền vững dựa trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0", Cục trưởng Đà nhấn mạnh.

Theo Ban tổ chức, triển lãm Quốc tế lần thứ 17 về máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại (MTA Vietnam 2019) sẽ diễn ra từ ngày 2 – 5/7/2019 tại TP HCM. Dự kiến sẽ có trên 500 đơn vị tham gia triển lãm, đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ như Anh, Đài Loan, Đức, Hàn Quốc, Nhật, Thái Lan, …

Tại triển lãm, các gian hàng sẽ trưng bày, giới thiệu những công nghệ, thiết bị, giải pháp tiên tiến nhất phục vụ ngành cơ khí chính xác và gia công kim loại như thiết bị đo góc, máy uốn, máy đúc khuôn, định hình, máy mài, con lăn nhiệt, phần mềm đo lường độ chính xác...

Triển lãm cũng giành một gian hàng giới thiệu những công nghệ tạo nền tảng cho ngành công nghiệp 4.0 như robot tự động hóa, IoT, mô phỏng, tích hợp hệ thống ngang và dọc…


Như Huỳnh