|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam có nên mở cửa du lịch với một số nước như Singapore?

13:22 | 09/10/2020
Chia sẻ
Việt Nam hiện đã nối lại các đường bay thương mại quốc tế, tuy nhiên việc có nên mở cửa đón du khách nước ngoài hay không vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Từ ngày 1/10, du khách từ Việt Nam và Australia (trừ bang Victoria) sẽ có thể xin cấp phép đi lại bằng đường không để vào Singapore và ngày sớm nhất họ có thể vào nước này là ngày 8/10.

Kế hoạch cấp phép đi lại bằng đường hàng không được phép thực hiện với tất cả các hình thức đi lại ngắn hạn, kể cả du lịch nghỉ dưỡng.

Cơ quan hàng không dân dụng Singapore (CAAS) đánh giá cả Việt Nam và Australia đều có hệ thống giám sát y tế công cộng toàn diện và đã kiểm soát thành công dịch COVID-19.

Cơ quan này cũng đánh giá nguy cơ ca nhiễm "nhập khẩu" từ hai nước này là thấp, đồng thời lưu ý rằng trong hơn 30 ngày qua, Việt Nam không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng trong khi Australia (trừ bang Victoria) có tỉ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 thấp ở mức 0,02 ca trên 100.000 người.

Việt Nam, Australia, cùng với New Zealand và Brunei là 4 nước mà Singapore đơn phương mở cửa biên giới trong những nỗ lực của "đảo quốc sư tử" nhằm khôi phục thị trường du lịch và đi lại.

Việt Nam có nên mở cửa du lịch với một số nước như Singapore? - Ảnh 1.

Ngành du lịch TP HCM tổ chức phát khẩu trang y tế miễn phí cho du khách tại nhiều địa điểm. Ảnh chụp hồi tháng 2/2020. (Ảnh: VGP).

"Chỉ nên mở cửa khi có vắc xin COVID-19"

Theo trang thống kê Worldometers, tính đến 8/10, Singapore ghi nhận tổng cộng 57.849 ca nhiễm COVID-19, trong đó 57.624 đã khỏi bệnh, hiện chỉ còn 198 ca đang điều trị. Nước này đến nay ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 là 27 trường hợp.

Trong khi đó, tính đến sáng 9/10, Việt Nam đã trải qua 36 ngày không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng. Tổng số ca nhiễm hiện là 1.099, số khỏi là 1.023, số người tử vong là 35.

Việt Nam hiện đã nối lại các đường bay thương mại quốc tế, tuy nhiên việc có nên mở cửa đón du khách nước ngoài hay không vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Trước câu hỏi Việt Nam có nên mở cửa đón du khách quốc tế như Singapore, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng "nếu mở cửa sớm, Việt Nam sẽ vỡ trận".

"Việt Nam khác Singapore về vị trí địa lí. Singapore có diện tích hẹp và dân số ít hơn Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam có đường biên giới trên đất liền dài đến 4.550 km. Vì vậy, nếu mở cửa đón khách quốc tế ngay bây giờ, nguy cơ tái bùng phát dịch là rất cao".

TS Nguyễn Minh Phong cho rằng không nên vội vàng trong vấn đề này. Ông ủng hộ quan điểm của Chính phủ về việc mở cửa có lộ trình. Hiện, Việt Nam mới chỉ bắt đầu nối lại đường bay thương mại quốc tế với 6 đối tác. "Việc mở của đón khách quốc tế vào chắc chắn đã được tính đến, nhưng chưa thể thực hiện bây giờ. Tốt nhất là chỉ mở cửa khi có vắc xin COVID-19", TS Nguyễn Minh Phong nói.

Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lí kinh tế Trung ương cho rằng Việt Nam cần phải thận trọng.

"Tôi ủng hộ cách kiểm soát có thận trọng trong việc mở cửa trở lại. Nếu mở cửa, cần phải lựa chọn các nước kiểm soát được dịch. Việt Nam cũng có thể nghiên cứu mô hình của Singapore. Tuy nhiên, vẫn nên mở cửa từng bước vì nếu dịch lan rộng, thiệt hại về kinh tế lớn hơn rất nhiều so với lợi nhuận đạt được khi đón khách quốc tế".

Việt Nam có nên mở cửa du lịch với một số nước như Singapore? - Ảnh 2.

Sân bay Nội Bài đón khách về từ vùng dịch hồi tháng 3/2020. (Ảnh: Báo Gia đình và Xã hội).

Về phía doanh nghiệp lữ hành, ông Hoàng Huy, CEO của TransViet Travel cho rằng việc Singapore thiết lập hành lang an toàn cho khách du lịch Việt Nam là một tín hiệu tốt, ghi nhận những thành công nhất định của nước ta trong kiểm soát và phòng chống dịch bệnh. Đây cũng được coi là một tin vui bước đầu đối với các doanh nghiệp du lịch, đem đến hi vọng về những chuyển biến tích cực trong thời gian tới cho ngành du lịch trong trạng thái bình thường mới.

"Việt Nam cũng có thể coi đây như một ví dụ về việc kiểm soát, phòng chống COVID-19 song song với phục hồi kinh tế, trong đó có ngành du lịch. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng việc mở cửa đối với khách du lịch nước ngoài cần phải được nghiên cứu và tiến hành cẩn trọng, từng bước, phù hợp với tình hình và năng lực thực tế của Nhà nước để đảm bảo được yếu tố quan trọng hàng đầu là bảo vệ sức khỏe cộng đồng".

Chậm mở cửa sẽ làm ngành du lịch thêm kiệt quệ?

Dịch COVID-19 tác động đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề.

Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 9 tháng năm 2020 ước tính đạt 369,3 nghìn tỉ đồng, giảm 15% so với cùng kì năm trước.

Doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng 2020 ước tính đạt 14,2 nghìn tỉ đồng, giảm 56,3% so với cùng kì năm trước Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng giảm mạnh so với cùng kì năm trước là: Khánh Hòa giảm 78,7%; TP HCM giảm 73,7%; Quảng Nam giảm 70,6%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 68,5%; Đà Nẵng giảm 68,1%; Cần Thơ giảm 57,1%; Quảng Ninh giảm 49,8%; Bình Định giảm 44,3%; Hà Nội giảm 42,6%; Thanh Hóa giảm 39,9%; Hải Phòng giảm 34,9%.

Để "hồi sinh" ngành du lịch, Việt Nam đang thúc đẩy du lịch nội địa, nhưng du lịch nội địa khai thác tối đa cũng chỉ được khoảng 30% thị trường. Bản thân các doanh nghiệp, hiệp hội nhìn nhận lượng du khách chưa hồi phục nhiều so với kì vọng của chương trình kích cầu.

Đại diện TransViet Travel thừa nhận việc đóng cửa với du khách nước ngoài đã gây tổn thất với ngành du lịch Việt Nam. Tuy nhiên đây là điều kiện bất khả kháng và tình hình chung của cả thế giới và khu vực, không thể có lựa chọn khác.

"Ngành du lịch đang ở những ngày khó khăn nhất, tuy nhiên người ta chỉ có thể đi du lịch khi cảm thấy an toàn và thoải mái, do đó ưu tiên hàng đầu vẫn là bảo vệ sức khỏe nhân dân như Thủ tướng đã khẳng định. Chúng tôi vẫn lạc quan tin tưởng rằng chỉ cần đẩy lùi được dịch và giữ vững những thành quả mà chúng ta đã làm rất tốt vừa qua, ngành du lịch Việt Nam sẽ trở lại và mạnh mẽ hơn", Đại diện TransViet Travel nêu ý kiến.

TS Lê Đăng Doanh cho rằng đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tai hại đến ngành du lịch, dịch vụ. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn đang tính toán thận trọng, cân nhắc các yếu tố, từng bước mở cửa để đảm bảo mục tiêu kép "hồi phục kinh tế, song song đẩy lùi dịch COVID-19".

Anh Đào