|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

'Việt Nam cần định vị đúng giá trị ngành BĐS công nghiệp'

19:00 | 12/01/2021
Chia sẻ
Theo ông Patrick Liau, Quản lý cấp cao của CapitaLand Việt Nam, trong phân khúc BĐS công nghiệp, Việt Nam cần xác định trở thành cơ sở sản xuất chế tạo của thế giới hay sẽ tiến đến góc độ cao hơn để phù hợp với chuỗi cung ứng.

Giá thuê đất công nghiệp đạt mức 300 USD/m2

Trong bối cảnh dịch COVID-19, thị trường khu công nghiệp là mảng duy nhất chứng kiến tăng trưởng tích cực về cả giá thuê và tỷ lệ lấp đầy. Ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp CBRE Việt Nam cho biết tại buổi họp báo thị trường bất động sản quý IV/2020.

Ông Hiếu cho biết, trong quý IV/2020, tỷ lệ lấp đầy trung bình tại các khu công nghiệp đã có từ năm 2019 tại 5 tỉnh và thành phố công nghiệp chính tại miền Bắc (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng) đạt 89,7%. 

Chuyên gia CapitalLand: Việt Nam cần định vị đúng giá trị ngành BĐS công nghiệp - Ảnh 1.

Thị trường phía Nam sẽ đón nhận nhiều nguồn cung đất công nghiệp mới trong năm 2021 và 2022. (Ảnh: Nguyên Ngọc).

Tương tự, tỷ lệ lấp đầy tại bốn tỉnh và thành phố công nghiệp chính tại miền Nam cũng đạt mức cao là 87%.

Giá thuê tại một số khu công nghiệp ở Hải Phòng, Bắc Ninh và Hải Dương ở miền Bắc và TP HCM, Đồng Nai, Long An ở miền Nam tăng 20 - 30% so với cùng kỳ 2019. 

Cụ thể, tại TP HCM, giá thuê cao nhất đạt mức 300 USD/m2 trong quý IV. Con số này ở Hà Nội là 260 USD/m2 và Long An là 200 USD/m2.

CBRE cũng ghi nhận nhu cầu tìm kiếm quỹ đất để phát triển cơ sở hạ tầng kho vận tăng lên đáng kể. Sự tăng trưởng mạnh của các công ty thương mại điện tử và logistics kể từ khi dịch COVID-19 bùng nổ đã thúc đẩy nhu cầu về không gian lưu trữ và cơ sở phân phối.

Tại các vị trí đắc địa bị hạn chế nguồn cung đất công nghiệp, kho cao tầng sẽ bắt đầu xuất hiện nhằm tạo không gian lưu trữ lớn hơn để đáp ứng nhu cầu của các công ty thương mại điện tử, đặc biệt là để làm địa điểm giao hàng chặng cuối.

Đối với kho và xưởng xây sẵn, hoạt động này vẫn duy trì ở mức ổn định theo năm do nguồn cung lớn từ năm 2019 đến năm 2020.

Chuyên gia CapitalLand: Việt Nam cần định vị đúng giá trị ngành BĐS công nghiệp - Ảnh 1.

Giá chào thuê đất công nghiệp tại một số địa phương trong quý IV/2020. (Biểu đồ và tổng hợp: Hoàng Huy).

Trong năm 2020, bất chấp dịch COVID-19, các ông lớn về kho xưởng quốc tế như GLP, LOGOS và JD Logistics đã tham gia đầu tư vào cả miền Bắc và miền Nam. Vingroup cũng gia nhập thị trường với hai khu công nghiệp mới, dự kiến ra mắt trong năm 2021.

Nguồn cung thị trường phía Bắc sẽ ngày càng hạn hẹp

Nói về năm 2021, nhiều chuyên gia dự báo đây sẽ là một năm lạc quan đối với thị trường bất động sản công nghiệp.

Ông Glenn Hughes, Giám đốc LOGOS Property Việt Nam đánh giá, không chỉ LOGOS, mà với các nhà đầu tư nước ngoài, hiện nay Việt Nam là một trong những điểm đến hàng đầu. 

"Nếu tiếp tục kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, bất động sản công nghiệp Việt Nam hoàn toàn sẽ có chỗ đứng trên thị trường quốc tế trong năm nay", ông Glenn nói.

Theo ông Lê Trọng Hiếu, tại thị trường phía Bắc, nguồn cung đất công nghiệp sẽ ít dần trong năm 2021 và các năm sau đó. Ngược lại, thị trường phía Nam sẽ đón nhận nhiều nguồn cung mới trong năm 2021 và 2022, kéo theo giá thuê được dự báo sẽ tăng lên.

Tuy nhiên, ông Hiếu cho biết thêm, Việt Nam đang phải cạnh tranh với một số quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Thái Lan, Malaysia, Indonesia hay Myanmar hoàn toàn là những điểm thu hút đầu tư tiềm năng.

Ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam cho rằng, xu hướng quan tâm của nhiều đơn vị đầu tư nước ngoài đang dần dịch chuyển tới các tỉnh, thành phố không phải là các địa phương có bề dày về phát triển các khu công nghiệp, điển hình như Tây Ninh, Vĩnh Long,...

Cần định vị lại giá trị

Chuyên gia CapitalLand: Việt Nam cần định vị đúng giá trị ngành BĐS công nghiệp - Ảnh 1.

Ông Patrick Liau, Quản lý cấp cao của CapitaLand Việt Nam. (Ảnh: Hoàng Huy).

Theo ông Patrick Liau, Quản lý cấp cao của CapitaLand Việt Nam, trên thực tế, ngay từ trước khi dịch COVID-19 bùng phát, bất động sản công nghiệp Việt Nam đã đạt được vị thế nhất định trên thị trường, là điểm đến thu hút đầu tư từ lâu.

Cùng với việc kiểm soát tốt đại dịch và các chính sách ưu đãi hợp lý, Việt Nam càng nhận được sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài.

Với xu hướng đầu tư được dự báo ngày càng mạnh mẽ, ông Patrick cho rằng, Việt Nam cần tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, đây là điều tối quan trọng. 

Bên cạnh đó, Việt Nam cần định vị lại giá trị của ngành bất động sản công nghiệp.

"Việt Nam không có nguồn nhân lực đông đảo như Trung Quốc, do đó chúng ta cần xem xét giá trị của mình trong chuỗi cung ứng, cần định vị xem Việt Nam muốn trở thành cơ sở sản xuất chế tạo của thế giới hay tiến đến góc độ cao hơn", ông Patrick nói.

Hoàng Huy