|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Việt Nam cần có cơ quan độc lập về bảo vệ người sử dụng dịch vụ tài chính

06:50 | 27/04/2018
Chia sẻ
Đó là khẳng định của các chuyên gia tại Hội thảo “Bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính” do IFC – Thành viên Ngân hàng thế giới, phối hợp cùng Hiệp hội ngân hàng Việt Nam tổ chức tại TP.HCM ngày 26/4.
viet nam can co co quan doc lap ve bao ve nguoi su dung dich vu tai chinh Financial Times: Người tiêu dùng 'thắp lửa' kinh tế Việt
viet nam can co co quan doc lap ve bao ve nguoi su dung dich vu tai chinh Hội nhập tài chính: quyền lợi của người tiêu dùng có được nâng theo?
viet nam can co co quan doc lap ve bao ve nguoi su dung dich vu tai chinh
Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính sẽ mang lại lợi ích cho cả người tiêu dùng lẫn các tổ chức tín dụng

Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ những thông lệ tốt nhất về bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính, kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc hoàn thiện khung pháp lý và thể chế, và các cấu phần chính của một hệ thống báo cáo tín dụng hướng tới bảo vệ người tiêu dùng. Các chuyên gia nhấn mạnh, các nhà cung cấp thông tin tín dụng cần coi bảo vệ người tiêu dùng là một phần cốt lõi trong hoạt động của mình để đảm bảo chất lượng và độ tin cậy của cơ sở dữ liệu, giúp củng cố sự tín nhiệm của các khách hàng sử dụng dịch vụ và người tiêu dùng đối với hệ thống thông tin tín dụng nói chung.

Ông James Callon, Chuyên gia IFC về Bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính, chỉ ra rằng, thời gian qua, thị trường tài chính gặp nhiều sự cố phát sinh về việc lạm dụng và lừa đảo đối với các hợp đồng tài chính bằng cách không công bố hoặc mô tả không minh bạch về phí, phí hoa hồng và các loại hình phạt do áp lực chạy theo lợi nhuận của các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính. Bên cạnh đó, thị trường cũng ghi nhân những sai sót trong hoạt động bán hàng do sự tư vấn thiếu cẩn trọng của đội ngũ nhân viên không được đào tạo và thiếu năng lực.

Ngoài ra, một số tổ chức quá lạm dụng việc thu nợ và tịch thu xử lý tài sản đảm bảo cũng gây ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó là các hình thức quảng cáo gây hiểu lầm và chỉ công bố thông tin một cách chọn lọc; phân biệt đối xử giữa các thành viên trong thị trường… Ông James Callon cũng cho hay, hiện Việt Nam vẫn chưa có đơn vị độc lập làm việc chuyên sâu tập trung vào các khía cạnh về bảo vệ người tiêu dùng sử dụng sản phẩm và dịch vụ tài chính.

Bà Lê Thị Kim Xuân, Trưởng Văn phòng đại diện của Hiệp hội tại TP.HCM cũng cho hay, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và kỷ nguyên số hiện nay, mạng lưới ngân hàng không chỉ mở rộng về số lượng chi nhánh và điểm giao dịch như trước đây mà còn có sự mở rộng qua các công cụ như internet và mobile banking. Những năm qua, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã rất chú trọng đầu tư về công nghệ nhằm đảm bảo thực hiện tốt bảo vệ cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tình trạng người tiêu dùng hạn chế về hiểu biết, kiến thức, cách thức sử dụng các dịch vụ tài chính cũng như bản thân người tiêu dùng chưa thấy hết trách nhiệm của mình.

Trong các giao dịch thanh toán qua công nghệ hiện đại, việc hạn chế về kiến thức sẽ làm gia tăng nguy cơ rủi ro. Do đó, người sử dụng dịch vụ tài chính nên có các kiến thức về tài chính và cách thức sử dụng để đảm bảo an toàn cho mình. Về phía các tổ chức tín dụng khi cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng cũng nên công khai minh bạch về các điều khoản và hướng dẫn họ cách sử dụng để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và an toàn cho cả tổ chức tín dụng.

Bà Xuân nhấn mạnh, theo thông lệ quốc tế, muốn thực hiện tốt việc bảo vệ khách hàng của mình thì bản thân các tổ chức cung ứng sản phẩm dịch vụ cần phải công khai 5 vấn đề cho người tiêu dùng sử dụng dịch vụ. Đó là công khai thông tin đẩy đủ về các điều khoản, điều kiện, phí và quyền lợi của người tiêu dùng để người tiêu dùng có thể lựa chọn; công khai trách nhiệm đối với các giao dịch trái phép; công khai cơ chế hỗ trợ khách hàng, giải quyết khiếu nại khi có vấn đề phát sinh xảy ra trong giao dịch; công khai về bảo mật thông tin của khách hàng và công khai việc bảo vệ khách hàng khỏi việc bị truy thu trái phép từ các khoản giao dịch của họ.

Theo luật bảo vệ người tiêu dùng, hiện Việt Nam mới chỉ có Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Song tổ chức này chỉ mang tính chất bảo vệ người tiêu dùng nói chung, nhưng chưa có cơ quan nào bảo vệ người sử dụng dịch vụ tài chính. Do đó, bà Xuân cho rằng, để thực hiện chiến lược tài chính quốc gia, để sản phẩm dịch vụ tài chính đến được tất cả người dân, kể cả ở vùng sâu vùng xa và người dân có hạn chế về kiến thức tài chính thì Việt Nam nên thành lập một cơ quan độc lập bảo vệ người sử dụng dịch vụ tài chính.

Nguyễn Hiền