'Việc giảm thuế cho xe ô tô điện phụ thuộc vào các FTA Việt Nam đã ký'
Ô tô điện Tesla sắp vào Việt Nam, IMG xin giảm thuế nhập khẩu xe về 0% | |
Nhu cầu tiêu thụ đồng cho xe điện sẽ tăng gấp 9 lần vào năm 2027 |
Có dễ giảm thuế nhập khẩu ô tô điện?
Mới đây, Công ty CP IMG Innovations – đơn vị triển khai Dự án phát triển ô tô điện Tesla tại Việt Nam – đã gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất Chính phủ xem xét giảm thuế nhập khẩu cho ô tô điện Testa về mức 0%. Theo đề xuất này, việc giảm thuế sẽ được thử nghiệm theo lộ trình 3-5 năm rồi có thể tăng dần sau đó, tương tự mức thuế mà một số nước trong khu vực đang áp dụng.
IMG cho biết, việc xem xét miễn giảm thuế theo mặt bằng chung của khu vực sẽ khuyến khích và thúc đẩy tiến trình chuyển đổi công nghệ sử dụng năng lượng sạch, hỗ trợ nhà sản xuất, nhà cung cấp và người dùng.
Trao đổi với chúng tôi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Phạm Đình Thi cho biết, Bộ đã nhận được đề xuất của công ty IMG về việc giảm thuế cho dòng xe ô tô điện Tesla. Theo ông Thi, việc giảm thuế cho dòng xe này tại Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các cam kết trước đây Việt Nam đã ký.
"Việt Nam hiện tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do nên vấn đề này cần phải xem xét kỹ càng. Bộ Tài chính đang tiến hành rà soát lại các cam kết trước đây trên cơ sở tôn trọng các cam kết đã ký. Tất nhiên, việc giảm thuế là điều nhiều doanh nghiệp muốn kinh doanh dòng xe này mong muốn. Tuy nhiên, điều này sẽ phụ thuộc vào các cam kết chúng ta đã ký với quốc tế", ông Thi cho biết.
Trước đó, theo phân tích từ IMG, nếu ô tô điện Tesla được triển khai sử dụng rộng rãi tại Việt Nam thì đây sẽ là bước tiến mạnh mẽ trong việc ứng dụng sự phát triển của công nghệ, là một cuộc cách mạng thay đổi thói quen tiêu dùng trên các nguồn năng lượng truyền thống đang cạn kiệt.
Đồng thời, hành động này sẽ thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, phù hợp với chủ trương của Chính phủ về việc phát triển và sử dụng năng lượng sạch, góp phần thực hiện các mục tiêu môi trường bền vững và phát triển nền kinh tế - xã hội xanh.
Với mức thuế suất hiện tại, IMG cho biết việc nhập khẩu một chiếc xe điện Tesla công nghệ tiên tiến có giá bán tại Hoa Kỳ từ 80.000 USD vào Việt Nam sẽ đội giá lên rất cao, nên người dân Việt Nam sẽ khó được tiếp cận, sử dụng rộng rãi sản phẩm này.
Tháng 6/2017, khi góp ý cho dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề nghị loại ô tô chạy điện ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Nghị định này. Theo VCCI, khung khổ hạn hẹp của Nghị định có thể cản trở cơ hội phát triển xe ô tô điện tại Việt Nam.
Theo VCCI, xe ô tô điện đang là xu hướng phát triển mới của ngành ô tô thế giới và được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh. Nhiều hãng sản xuất đang trong giai đoạn thử nghiệm, mới một số ít sản xuất hàng loạt. Do đó, nếu phải tuân thủ các quy định quản lý quá cứng nhắc có thể dẫn đến cản trở sáng tạo, cản trở khả năng nghiên cứu, thử nghiệm của các nhà khởi nghiệp Việt Nam.
Cũng theo VCCI, lĩnh vực ô tô điện còn mới nên áp lực cạnh tranh trên thị trường chưa mạnh mẽ bằng dòng xe chạy nhiên liệu hóa thạch dưới 9 chỗ, các hãng sản xuất chưa có nhiều thương hiệu mạnh và cũng chưa có được quy mô sản xuất lớn để tiết giảm chi phí. Chính điều này gợi mở khả năng phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam theo hướng sản xuất ô tô điện.
Việc giảm thuế cho xe ô tô điện phụ thuộc vào các FTA Việt Nam đã ký. Ảnh: Tesla. |
Doanh nghiệp lo ngại không đủ cơ sở hạ tầng phát triển xe ô tô điện
Từ năm 2008, Việt Nam cũng đã có một số chính sách ưu đãi cho dòng xe chạy điện. Trong đó, về thuế tiêu thụ đặc biệt, dòng xe điện 9 chỗ ngồi trở xuống được áp mức 25%, từ 10-16 chỗ là 15%, từ 16-24 chỗ là 10%. Nếu các dòng xe điện được sản xuất nội khối ASEAN, Hàn Quốc, thuế nhập khẩu sẽ là 0%. Thuế nhập khẩu xe điện từ Australia hoặc New Zealand cũng chỉ 7%.
Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp ô tô không mặn mà với sản phẩm này. Theo các DN này, mấu chốt vấn đề không nằm ở chi phí sản xuất hay lắp ráp xe điện mà nằm ở khả năng đầu tư xây dựng trạm nạp điện trên toàn quốc, tương tự các cây xăng như hiện nay. Để có thể phát triển dòng xe điện, Nhà nước cần hỗ trợ về thuế, phí, đầu tư cơ sở hạ tầng để xây dựng các trạm nạp điện.
Theo ông Nguyễn Hải Sơn, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Tập đoàn Thành Công, nhà nhập khẩu chính hãng xe Huyndai, cho rằng, ngành công nghiệp ô tô điện phụ thuộc phần lớn vào chính sách của Nhà nước. Giá thành sản xuất một chiếc ô tô chạy điện cũng đắt hơn tương đối so với sản xuất một chiếc ô tô chạy xăng cùng chủng loại do chi phí đầu tư vào ắc quy/pin cao nên sẽ kéo giá bán xe điện cao hơn xe chạy xăng nếu Nhà nước không có ưu đãi cho xe điện.
Thực tế, công nghệ ô tô chạy điện có khá nhiều điểm tiên tiến hơn ô tô động cơ đốt trong (chạy bằng xăng dầu...). Chẳng hạn, có những chiếc ô tô chạy điện trong lúc sạc pin dù chủ nhân ở đâu cũng có thể “giao tiếp” với xe bằng điện thoại di động. Xe sẽ thông báo qua điện thoại di động khi bộ pin đã được sạc ở mức chủ xe mong muốn. Chủ nhân cũng có thể ra lệnh bật máy lạnh hay máy sưởi trên xe bằng điện thoại di động, miễn là xe được đặt trong tình trạng kết nối. Người lái có thể dùng thiết bị dẫn đường trên xe để tìm đường đến điểm sạc pin gần nhất.
Song một điểm hạn chế của xe hơi chạy điện là người tiêu dùng không có nhiều lựa chọn về công suất như với ô tô chạy xăng. Và quan trọng hơn, mỗi lần sạc điện để cho đầy pin thông thường mất vài tiếng đồng hồ, trong khi xe chạy xăng mỗi lần nạp đầy xăng chỉ mất vài phút. Nếu đang đi trên đường mà xe điện hết nhiên liệu thì quả là một sự bất tiện cho chủ nhân khi phải đợi vài giờ để nạp.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng trưởng phòng Toyota Việt Nam, nguyên thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), ngành ô tô chạy điện nếu có phát triển ở Việt Nam chắc cũng phải đợi một tương lai rất xa, và quan trọng nhất là Nhà nước cần đưa ra các chính sách ưu đãi như thuế, phí, đầu tư cơ sở hạ tầng… Khi đó, Toyota Việt Nam và nhiều liên doanh, doanh nghiệp ô tô khác mới hoàn toàn có thể đầu tư vào ngành này.
Hiện chi phí để đầu tư vào công nghệ, dây chuyền sản xuất ô tô chạy điện không cao hơn so với chi phí đầu tư vào nhà máy sản xuất ô tô chạy xăng, song chỉ một doanh nghiệp đứng ra sản xuất xe chạy điện là không thể bởi họ không bao giờ đủ khả năng để đầu tư xây dựng các trạm nạp điện trên toàn quốc như hệ thống các trạm xăng dầu.